Bài học từ Nghiệp đoàn Phú Thuận 2
Các Website khác - 20/02/2006
Bài học từ Nghiệp đoàn Phú Thuận 2
Hoàng Văn Minh

Tại TT-Huế, trong khi hàng loạt tàu đánh bắt xa bờ được đóng bằng vốn dự án của Nhà nước phải bán đổ bán tháo vì làm ăn không hiệu quả, thì ngược lại, Nghiệp đoàn Đánh bắt xa bờ Phú Thuận 2 (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) lại ăn nên làm ra đến... ngỡ ngàng. Điều đáng nói là câu trả lời cho nghịch lý này lại rất đơn giản.

Tàu đánh bắt xa bờ của Phú Thuận 2
luôn cho lãi lớn.
Được thành lập hơn 5 năm nay, Nghiệp đoàn Đánh bắt xa bờ Phú Thuận 2 có 17 tàu đánh cá công suất từ 75 -250CV. Theo ông Ngô Đức Xuyên - Chủ tịch nghiệp đoàn - thì kể từ khi thành lập tới nay, các tàu của nghiệp đoàn luôn huề vốn cho đến lãi khoảng 4 - 5 trăm triệu đồng/ tàu/ năm. Đây là những con số có thể nói là "gương điển hình" nếu so sánh với sự thất bát của hàng loạt dự án đánh bắt xa bờ khác ở TT-Huế và khu vực miền Trung trong nhiều năm qua.

Về những yếu tố dẫn đến thành công của nghiệp đoàn cũng như sự thất bại của các dự án đánh bắt xa bờ khác, ông Ngô Đức Xuyên lý giải:

Trước hết, về đội tàu của chúng tôi, ngoài một số tàu mua lại của dự án đánh bắt xa bờ bán thanh lý, mới đi vào hoạt động khoảng 1 năm nay, còn lại đều là tàu tư nhân, tiền do chúng tôi bỏ ra và đi vay ngân hàng, sinh mệnh, tương lai của cả gia đình chúng tôi buộc phải gắn vào con tàu, nên không thể làm ăn lơ là được.

Thứ hai, trước khi đóng tàu đánh bắt xa bờ, chúng tôi đã có thâm niên hàng chục năm về nghề này từ đánh bắt cho đến quản lý, điều hành. Còn họ (những chủ tàu của các dự án đánh bắt xa bờ khác) chỉ là những người tay ngang, không có nhiều kinh nghiệm (lại không phải bỏ tiền ra) nên làm không thành công cũng là điều dễ hiểu.

Một yếu tố quan trọng nữa là sự ràng buộc và tác động, hỗ trợ rất tích cực từ chính nghiệp đoàn. Ông Nguyễn Tuấn - một thành viên của Nghiệp đoàn Phú Thuận 2 - kể: "Cứ sau một mùa đánh bắt, các thành viên của nghiệp đoàn đều họp để kiểm điểm những việc đã làm được và chưa làm được. Ngoài ra, chúng tôi còn có có những cam kết tự nguyện để tương trợ nhau trên biển, mỗi khi có sự cố xảy ra (chuyện cơm bữa trên biển), cũng như chia lợi từ nguồn cá. Nếu ai cố tình không chấp hành những luật lệ của nghiệp đoàn, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì chúng tôi khai trừ ra khỏi nghiệp đoàn)".

Ông Ngô Đức Xuyên tiếp lời bằng một ví dụ: "Khi có một tàu trong nghiệp đoàn bất ngờ phát hiện được một luồng cá có trữ lượng lớn, lập tức, thay vì để đánh bắt một mình, chúng tôi thường gọi các tàu khác trong nghiệp đoàn đến để cùng đánh bắt".

Ông Xuyên kết luận: "Buôn có bạn, bán có phường, điều quan trọng nhất không phải là thành lập được nghiệp đoàn (TT-Huế cũng có một nghiệp đoàn tương tự ở xã Phú Hải, huyện Phú Vang, nhưng làm ăn không thành công - NV), mà vấn đề là nghiệp đoàn đó hoạt động như thế nào".

CÙNG MỘT CHUYÊN ĐỀ:

Đánh bắt xa - khắc phục từ bờ

Phú Yên: Tiền thu được từ đấu giá chỉ bằng 35% vốn đầu tư