Biến thép của cơ sở thành thép của nhà máy
Các Website khác - 13/01/2006

Thép kém chất lượng của cơ sở Khoa Hương (Bắc Ninh) lưu hành trên thị trường:
Biến thép của cơ sở thành thép của nhà máy

Lập lờ với nhãn hiệu thép vằn Tisco của Cty gang thép Thái Nguyên, cơ sở cán thép từ sắt phế liệu Khoa Hương (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã tung ra thị trường hàng trăm tấn thép xây dựng kém chất lượng. Khi bị phát hiện, cơ sở này lại cho rằng "làm theo hướng dẫn của tỉnh Bắc Ninh".

Sự việc sẽ không bị phát hiện, nếu như lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội) không kiểm tra và bắt quả tang xe ôtô mang BKS 29M- 7115 vận chuyển hơn 3 tấn thép gai thành phẩm loại phi 18 và phi 20 của cơ sở Khoa Hương đi tiêu thụ tại Hà Nội.

Khám xét khẩn cấp cơ sở Khoa Hương tại KCN Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh - do ông Trần Văn Khoa làm chủ. Công an đã phát hiện và tạm giữ 1 lò nung thép, 1 bộ khuôn mẫu và 87 tấn thép thành phẩm có in nhãn hiệu trên cây thép là 09S11 gồm 4 chủng loại từ phi 12 đến phi 18.

Ngày 5.1.2005, Công an Hà Nội đã đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ giám định nhãn hiệu các chủng loại thép nói trên.

Cục Sở hữu trí tuệ đã có văn bản số 38/TTKN, kết luận: Mẫu sản phẩm thép của cơ sở Khoa Hương mang dấu hiệu có thể được diễn giải là "09S11" nếu nhìn từ một phía, nhưng nếu đọc ở phía ngược lại (thanh thép có thể đọc từ 2 phía) thì thanh thép có 5 dấu hiệu có thể diễn giải là "TTSGO" hoặc "TTS60", tuy nhiên cách thể hiện trên thực tế làm cho người tiêu dùng dễ nhầm lẫn với nhãn hiệu "Tisco" đang được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký NHHH số 34249".

Do vậy, việc sử dụng dấu hiệu nêu trên trong việc sản xuất, buôn bán, lưu hành, tàng trữ sản phẩm thép xây dựng mà không được sự đồng ý của chủ nhãn hiệu - Cty gang thép Thái Nguyên là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hàng hoá và vi phạm quy định về chống sản xuất và buôn bán hàng giả.

Công an Hà Nội tiếp tục trưng cầu giám định về chất lượng thép tại Viện Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng. Kết quả: 2 mẫu lấy trên xe ôtô và 4 mẫu lấy tại cơ sở Khoa Hương đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng thép do cơ sở Khoa Hương công bố tại bảng công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá ngày 20.12.2001, tiêu chuẩn công bố TC-2001 thép cán nóng được đăng ký tại Chi cục Đo lường - Chất lượng, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bắc Ninh. So sánh thêm với loại thép gai đưa vào công trình theo tiêu chuẩn Việt Nam 1651-1985 thì số thép này không đảm bảo tiêu chuẩn trên.

Với những bằng chứng như trên, Cơ quan CSĐT - Công an Hà Nội đã có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Khoa về tội sản xuất buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, VKSND thành phố Hà Nội lại cho rằng "Chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm" và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để phạt hành chính.

Ngày 30.12.2005, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện Công an Hà Nội đã đến cơ sở Khoa Hương lập biên bản vi phạm hành chính về SHCN. Biên bản lập xong, ông Khoa không ký và nói rằng "tôi làm đúng theo hướng dẫn của tỉnh Bắc Ninh" rồi bỏ đi.

Ngày 3.1.2006, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra văn bản số 01/TTra, yêu cầu chủ cơ sở sản xuất thép Khoa Hương phải tự loại bỏ yếu tố vi phạm gắn trên cây thép của hơn 90 tấn thép xây dựng của cơ sở này và đình chỉ việc sử dụng nhãn hiệu 09S11. Thời gian để thực hiện đến hết ngày 15.1.2006.

Được biết, cơ sở Khoa Hương không có giấy phép sản xuất thép kéo xây dựng, nhưng đã từng đem nhãn hiệu 09S11 ra Cục Sở hữu trí tuệ để xin tra cứu và đăng ký nhãn hiệu và không được cục cấp giấy chứng nhận vì lý do "Nhãn hiệu 09S11 trùng với nhãn hiệu TISCO của Cty gang thép Thái Nguyên đã được bảo hộ".

Sau đó, cơ sở Khoa Hương vẫn cố tình ra công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá với thép cán nóng 09S11. Suốt từ năm 2001 đến nay, cơ sở Khoa Hương đã tung ra thị trường hàng trăm tấn thép kém chất lượng nhái thương hiệu của Cty gang thép Thái Nguyên.

Sơn Đà