Bộ trưởng Công nghiệp nhận lỗi vụ điện kế điện tử
Các Website khác - 25/11/2005

Bộ Công nghiệp chưa chỉ đạo sát sao Tổng công ty điện lực VN (EVN) phối hợp tốt với các đoàn kiểm tra trong vụ điện kế điện tử, đề ra các giải pháp khắc phục hậu quả chậm. "Với tư cách Bộ trưởng Công nghiệp, tôi xin nhận khuyết điểm", ông Hải nhận lỗi khi giải trình trước Quốc hội.

Bộ trưởng Hoàng Trung Hải.

Đề cập đến vụ tiêu cực tại Điện lực TP HCM, Bộ trưởng Hải khẳng định chủ trương lắp công tơ điện tử là đúng, nhằm giúp bên bán điện giảm chi phí nhân công, có thể áp dụng nhiều biểu giá, giúp khách hàng tự điều chỉnh theo giờ sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo Công ty điện lực TP HCM, lãnh đạo EVN và cả bộ chủ quản.

Trước đó, Bộ trưởng điểm qua tiến độ một số dự án quan trọng quốc gia. Về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà thầu đang tiến hành lựa chọn thầu phụ tiến hành các công việc để tiến hành khởi công vào 28/11, sau đó triển khai thi công ngay. Dự án khí điện đạm Cà Mau, các dự án điện đã được ký với các chủ thầu chính, tháng 3/2007 bắt đầu có nhà máy điện đi vào hoạt động. Dự án Cà Mau 2 sẽ hoạt động tháng 3/2008. Chủ đầu tư đang giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La sẽ khởi công vào 2/12 tới.

Đề cập đến khả năng thu xếp vốn cho ngành điện, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính đang thu xếp với các chủ đầu tư, ngoài ra có thể cho Tổng công ty điện lực VN (EVN) phát hành trái phiếu quốc tế, Bộ Công nghiệp cũng đưa kế hoạch xây dựng 10.000 MW ra đấu thầu quốc tế.

Giải thích lý do tăng giá điện, bộ trưởng Hải nói, giá hiện hành là 5,1 cent tương đương 782 đồng/kWh. Từ 2002 đến nay các bước điều chỉnh theo lộ trình chưa được thực hiện, trong khi đó so với tỷ giá đồng USD, mặt bằng giá điện đã giảm xuống 4,9 cent, nếu duy trì sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn. Năm 2005, EVN mua điện giá bình quân 1.058 đồng/kWh, phải bù lỗ khá lớn. Yêu cầu tăng giá điện là cấp thiết. Tổ công tác liên ngành đang khẩn trương thẩm định các phương án do EVN đệ trình, trong quá trình xây dựng giá mới sẽ tham khảo ý kiến các bộ ngành, tổ chức đoàn thể xã hội rồi mới trình Thủ tướng.

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đặt vấn đề nên tăng giá điện như thế nào để tránh tác động mạnh đến đời sống dân sinh và Nhà nước nên kiểm soát như thế nào. Ông Hải cho biết, bình quân tiêu thụ điện ở Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với khu vực, so với thế giới chỉ bằng 1/10, đến năm 2020 VN có thể đạt 2.080 kWh/người, bằng Thái Lan. "Mức dự phòng tăng trưởng tiêu thụ điện như hiện nay là 15-16%, đã gấp đôi GDP, làm sao để kiểm soát được giá điện và không tác động đến đời sống dân sinh thì trong Luật Điện lực đã yêu cầu đưa cạnh tranh vào ngành điện. Tôi nghĩ người tiêu dùng không đòi hỏi giá điện rẻ, nhưng nhà nước phải thiết lập giá điện trên cơ sở cạnh tranh, cơ chế đó phải minh bạch, công bằng", Bộ trưởng Hải trả lời.

Đại biểu Hoàng Văn Xinh đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành công nghiệp về việc dự án lọc dầu Dung Quất và Cà Mau đều chậm tiến độ, phải tăng vốn đầu tư do khảo sát thiết kế. Ông cũng đề nghị làm rõ biện pháp hạn chế tổn thất điện năng. Đáp lại, Bộ trưởng Hải giãi bày: "Để dự án tốt cần chuẩn bị rất kỹ, các dự án đầu tư của ta đều bị tình trạng đầu tư cho khâu tư vấn khảo sát thiết kế rất thấp, nên nhiều dự án phát sinh. Tôi cho rằng cần đầu tư thích đáng vào công tác tư vấn thiết kế, dự án có thể khả thi trên giấy nhưng lúc sau có thể phát sinh".

Theo Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, tổn thất điện năng ở Việt Nam còn cao, năm 2005 khoảng 12%, trong đó có cả tổn thất kỹ thuật và tổn thất thương mại (lấy cắp). Tuy nhiên, thực trạng này đã được cải thiện đáng kể, năm 1995, tỷ lệ tổn thất điện năng là 21%. "EVN đã giảm được bình quân 1%/năm, theo đánh giá của tôi, đây là nỗ lực lớn. Thậm chí trước đây tổn thất thương mại tới 50% có khu vực mất trắng luôn, nay rất thấp. Với tổn thất kỹ thuật, vấn đề lớn nhất là đầu tư nâng cấp lưới điện. Hằng năm chúng tôi có duyệt chương trình chống tổn thất điện năng và quy định nếu anh không giảm 0,3% năm thì không được hưởng hệ số lương. Hy vọng 2010 có thể xuống 10%".

Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng chất vấn về vấn đề sản xuất linh kiện ôtô, máy móc phục vụ chế biến nông sản. Bộ trưởng Hải giải thích, ngành công nghiệp ôtô muốn phát triển cần quy mô thị trường lớn. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nên công nghiệp ôtô còn nhỏ bé. "Công nghiệp ôtô phải phát triển trên cơ sở các hãng lớn, tập đoàn lớn. Hiện ta có 14 nhà sản xuất ôtô con, quy mô nhỏ bé, thương hiệu lại nhiều, xe máy tới 200, ôtô 30-40 kiểu dáng. Mặc dù định hướng nhưng chưa thể phát triển nhanh", ông Hải phân trần.

Lĩnh vực cơ khí phục vụ chế biến, theo ông Hải đang vấp phải áp lực cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Bộ trưởng thừa nhận cơ khí có nhược điểm lớn là tính liên kết hợp tác yếu, đầu tư khép kín. Để khắc phục, theo ông, các doanh nghiệp cơ khí cần thành lập hiệp hội.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng hóm hỉnh nêu câu hỏi: "Tại sao bộ trưởng không quan tâm tới công nghệ sinh học, chưa bao giờ thấy bộ trưởng nói chuyện này".

Bộ trưởng Hải đáp lại, bộ Công nghiệp có nhiều viện nghiên cứu đang làm nhiều đề tài trong lĩnh vực này và phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Khoa học Công nghệ. "Các bộ nhận đề tài thì giao cho cán bộ làm, chứ bộ trưởng đâu có nghiên cứu khoa học", ông Hải nói.

Tâm đắc với vấn đề cần chuẩn bị kỹ cho các dự án trọng điểm trước khi tiến hành, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân hỏi: "Bộ trưởng thấy có cần thiết tăng cường kinh phí cho khâu nghiên cứu tiền khả thi hay không?".

"Về câu hỏi này tôi đã trả lời là có, cần tăng kinh phí cho khâu lập dự án", ông Hải trả lời ngay. Ông kể đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ bỏ ra rất nhiều tiền để thuê nghiên cứu tiền khả thi rồi mới quyết định bỏ vốn tiếp, nhưng cái khó ở VN là vốn ngân sách nhà nước, mỗi dự án cần nhu cầu khác nhau. Vì thế chỉ đưa ra một cơ chế vĩ mô cứng còn thực tế quyết định giao quyền cho chủ đầu tư, vì nếu không lại thành lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Đức Dũng nói: "Người tiêu dùng thấy càng ngày chúng ta dùng điện càng đắt. Ở các nước càng dùng nhiều điện càng rẻ, ở ta càng dùng nhiều càng đắt, có phải do ta quản lý kém mà đưa tất cả chi phí vào do dân chịu hay không?"

Theo Bộ trưởng, không bao giờ Thủ tướng để ngành điện ở lãi cao. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của EVN chỉ 5%, mà muốn vay được vốn ngân hàng, lợi nhuận phải 12%. Từ trước tới nay ngành điện chưa bao giờ vay được thương mại, toàn ODA. Trái phiếu của ngành điện cũng phải phối hợp với Bộ Tài chính để phát hành, chứ không vay được vì hiện nợ 3 tỷ. Ông Hải nói: "Chỉ ở những nước có nguồn tài nguyên điện quá trhừa thãi hoặc dùng theo mùa như Na Uy, 90% là thủy điện nên phải khuyến khích dùng vào mùa nhiều nước cho đỡ phí, còn tôi chưa thấy nước nào càng dùng nhiều giá càng rẻ, vì điện là ngành đầu tư lớn. Mỗi năm chúng ta cần 3 tỷ USD thì không cách gì huy động từ ngân sách được, phải huy động từ khách hàng. Đúng là tôi từ điện ra thì mọi người có thể nói ông bảo thủ trong ngành với nhau, nhưng tổ liên ngành gồm nhiều bộ, còn ấy ý kiến, rồi cân nhắc mức tác động. 8 lần trước đây không lần nào Nhà nước để tăng giá điện tác động tới các ngành khác quá 8%".

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận là kinh doanh kém: "Ngành điện ta chưa cạnh tranh nổi với các nước. Giá điện của ta chỉ cao hơn Indonesia và Lào nhưng năng lực quản lý của ta kém, các công trình của ta còn chậm. Cải cách ngành điện cần quá trình, hiện chúng tôi đang cổ phần hóa".

Phong Lan