'Bùng nhùng' lịch bloc đầu mùa kinh doanh
Các Website khác - 16/10/2005

47 nhà xuất bản đã cùng gửi kiến nghị đến Bộ Văn hóa thông tin vào đầu tháng 10, đề nghị đình chỉ việc "ra riêng" với khoảng 5 triệu bloc lịch của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM. Trong khi đó lịch bloc đã được các nhà xuất bản đưa ra thị trường, song vì "đầu mùa" kinh doanh nên vẫn còn vắng khách.

Các loại lịch đã bắt đầu được bày bán tại cửa hiệu sách.

Rắc rối của lịch bloc bắt đầu kể từ tháng 7 khi Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM đơn phương rút khỏi "liên minh" sản xuất lịch bloc của 48 nhà xuất bản trên cả nước để "chạy phi vụ" riêng. Hợp đồng của "liên minh" này được ký kết từ tháng 4 với kết quả là 13,5 triệu bloc lịch đã "ra đời" và được gửi vào kho của Tổng công ty sách Việt Nam "nuôi giữ" chờ ngày phát hành ra thị trường.

Điều đáng nói là tuyên bố rút lui của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM được đưa ra sau khi 13,5 triệu "đứa con" không chỉ "chào đời" mà đã đến lúc "lớn khôn" để chuẩn bị "gả bán". Do đó phản ứng của 47 nhà xuất bản còn lại đều lo ngại tình trạng "ăn riêng" của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM sẽ khiến thị trường bị "dội chợ" lịch bloc, khả năng phải "ôm sô" một lượng lớn hàng dư thừa là chắc chắn xảy ra.

Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Cục xuất bản Nguyễn Đình Nhã cho rằng, việc làm của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM là vi phạm hợp đồng liên minh cùng 47 nhà xuất bản khác. Song, "vì đơn kiến nghị của 47 nhà xuất bản chỉ gửi đến Bộ Văn hóa thông tin mà không gửi Cục xuất bản nên phải chờ Thanh tra Bộ xử lý", ông Nhã nói. Trước mắt, theo ông Nhã, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM cần in đúng số lượng 200.000 bloc lịch theo quy định cho từng nhà xuất bản đã được thống nhất từ Ban điều hành lịch bloc năm 2006.

Trong khi đó, theo tin từ Bộ Văn hóa thông tin, Bộ vừa có công văn gửi Thanh tra Bộ, Cục xuất bản và Vụ pháp chế, yêu cầu các cơ quan này báo cáo sự việc, đề xuất ý kiến giải quyết cụ thể. Trên cơ sở những giải pháp đề xuất này và các quy định của pháp luật, Bộ Văn hóa thông tin sẽ xem xét xử lý hành vi "ra riêng" của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM.

Thế nhưng, nếu căn cứ trên thực tế cơ chế quản lý và xử phạt hiện nay cũng như hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh quản lý ngành xuất bản đang có thì khó có khả năng xử lý được 5 triệu bloc lịch "ngoài luồng" của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM ngay trong mùa kinh doanh lịch 2006. Đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế tại TP HCM về sự cố "bùng nhùng" lịch bloc ở thời điểm này. Một quan chức Bộ Văn hóa thông tin "nói nhỏ": "Luật xuất bản mới mặc dù đã có hiệu lực thi hành, đến nay vẫn phải chờ Nghị định hướng dẫn nên chưa triển khai được vào thực tế đời sống".

Thiếu quy phạm pháp luật để xử lý những "xé rào" như trường hợp của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM và có khả năng sự việc sẽ "chìm xuồng" hoặc xử nhẹ là điều mà 47 nhà xuất bản kia đang lo ngại. Trước mắt 47 nhà xuất bản cùng kiến nghị: "Với các sản phẩm lịch bloc 2006 mà Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM đã và đang in đều được phải niêm phong lại để tiếp tục điều tra đúng sai và đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp".

Hiện tại thì một số lịch bloc và các loại lịch tờ đã được phát hành ra thị trường, song các nhà xuất bản vẫn đang trong tâm trạng phập phồng lo ế do lượng cung "dôi" quá cầu, mà nguyên nhân cơ bản được quy cho Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM.

Theo ông Trịnh Thúc Huỳnh, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Trưởng Ban Điều hành lịch bloc 2006, số lượng in 13,5 triệu lịch bloc đã được Ban điều hành thống nhất trên cơ sở các công ty phát hành sách trên toàn quốc khảo sát từ nhu cầu thực tế của người dân trong cả nước và qua thực tế phát hành ở mùa lịch các năm trước. "Nếu "cõng" thêm 5 triệu lịch bloc các loại như kế hoạch của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM thì chắc chắn thị trường lịch bloc 2006 sẽ rối loạn, bởi cung vượt quá cao so với cầu", ông Huỳnh nhận định.

Ông Phạm Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phát hành sách TP HCM, cho rằng, khi có một nhà xuất bản tách ra làm riêng thì khả năng kiểm soát số lượng in đúng theo kế hoạch chung là rất khó, nhất là việc in nối bản hiện nay không cơ quan chức năng nào quản lý nổi. Khi cung vượt quá lớn so với cầu thì khả năng tranh mua tranh bán bằng mọi cách, mọi giá sẽ diễn ra, dẫn đến tình trạng rối loạn thị trường. Đó là chưa kể đến tình trạng in lậu, hàng nhái từ các cơ sở in ấn "chui" hằng năm cũng làm cho thị trường lịch bloc thêm phức tạp.

Khảo sát thị trường của VnExpress tại TP HCM cho thấy, mặc dù lịch bloc chưa "vào" nhà sách nhưng đã có mặt tại các quầy sách báo bán lẻ và những cửa hiệu sách phát hành tư nhân. Chủ cửa hiệu sách tư nhân Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, giá lịch bloc đến giờ này chưa có dấu hiệu giảm hơn năm ngoái, nhưng số lượng lịch được chào hàng thì nhiều hơn. "Mức tiêu thụ lịch bloc chỉ có thể biết được vào đầu tháng 11, khi người mua bắt đầu quan tâm đến việc chuẩn bị sắm sửa nhân dịp cuối năm", chủ cửa hiệu này cho biết.

Phan Anh - Hồng Anh