Tại TP.HCM trong những ngày cận tết này, nhiều cửa hàng, quán ăn vẫn chịu cảnh đìu hiu, có cửa hàng phải đóng cửa tạm nghỉ. Cũng vẫn là “chuyện dài... lô cốt”!
Một chủ cửa hàng xe đạp trên đường Đặng Nguyên Cẩn (P.14, Q.6) làm ăn trong tình trạng bị “lô cốt” án ngữ - Ảnh: Quang Khải
Trên đường Lạc Long Quân (P.5, Q.11) vẫn còn ba “lô cốt” thuộc dự án nâng cấp đô thị TP. Mỗi “lô cốt” dài khoảng 100m nằm lấn sát vỉa hè và choán hết một làn đường (hướng từ Q.Tân Bình về công viên Đầm Sen). Các hộ kinh doanh ở trong khu vực chỉ biết “kêu trời” với những “lô cốt” này.
Không còn lối đi, lấy gì buôn bán?
Chị Nguyễn Đình Xuân Phượng, chủ cửa hàng 473 Lạc Long Quân, than thở: “Từ sáng đến giờ chưa được năm lượt khách đến mua hàng. Hai tháng trước tôi gom hơn 100 triệu đồng mua hàng trữ để bán tết nhưng giờ còn tồn hơn 80%”. Theo chị Phượng, khoảng cuối tháng 11-2008 bắt đầu có “lô cốt” án ngữ trước nhà. Từ đó, việc mua bán bắt đầu xuống dốc. Ngoài ảnh hưởng chung là sức mua của năm nay giảm nhưng “lô cốt” choán gần hết đường đi thì khách cũng đành... “tháo lui”. Lật lại sổ sách, chị Phượng nói: “Những tháng trước mỗi ngày doanh thu khoảng 5 triệu đồng, giờ chưa đến 2 triệu đồng”.
Tại khu vực này, buổi tối còn ảm đạm hơn. Mới hơn 19 giờ nhưng hầu như các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động, bán nước ép, bán hàng ăn... đều khóa trái cửa. Chị Lý Lệ Lệ (343F Lạc Long Quân) kể: “Hai vợ chồng có nghề bán hủ tiếu để sống, nhưng phải nghỉ bán từ ngày 4-12-2008 đến nay vì vắng khách”. Thấy công trình ghi thông báo sẽ thi công xong ngày 29-12, chị Lệ hi vọng còn bán được mấy ngày cận tết. Đùng một cái, công trình xảy ra tai nạn chết người nên bị đình chỉ thi công luôn tới nay. “Không bán buôn gì được nên hổm rày hai vợ chồng phải mượn tiền để tiêu xài” - chị Lệ nói.
Trưa 8-1, chủ một cửa hàng bán vải trên đường Trần Bình Trọng (Q.5) than: “Từ sáng đến giờ chưa có người đến mua hàng”. Chủ cửa hàng này tính tiền điện, nước, thuế, ăn uống và tiền thuê mặt bằng mỗi tháng hơn 5 triệu đồng. Trước đây thường 21g-22g mới đóng cửa tiệm, từ khi có “lô cốt” thì mới khoảng 19g đã đóng cửa do “không còn người qua lại”.
Theo chủ cửa hàng này, mỗi tháng gia đình ông bị lỗ trên 2 triệu đồng, có tháng lỗ 3-4 triệu đồng. “Mới hôm qua khách quen của tôi từ đường An Dương Vương vào mua hàng nhưng không biết đi bằng cách nào vì chỗ nào cũng bít, họ phải gọi điện để tôi hướng dẫn”. Theo bảng công bố thông tin đặt tại khu vực thi công, “lô cốt” trên (đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến An Dương Vương) sẽ hoàn thành trong tháng 3-2009.
Chị Phụng - chủ tiệm bán khóa sắt trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh) - nói việc buôn bán năm nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với thời điểm cùng kỳ năm trước. “Lô cốt” trước nhà chị thuộc dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thời gian thi công từ đầu tháng 11-2008 đến 5-1-2009. Phần đường phía nhà chị Phụng chỉ còn khoảng 1m, đủ để một xe máy đi qua. Theo chị Phụng, do đường bị “lô cốt” thu hẹp nên hay kẹt xe vào giờ cao điểm, khách ngại ghé cửa tiệm để mua, chưa kể hiện việc giao hàng của chị cũng gặp khó khăn vì phải chạy vòng vòng quanh “lô cốt”.
Đóng cửa hàng loạt
Nhà bị lún nứt Ngoài buôn bán ế ẩm, đi lại khó khăn, người dân trên đường Đặng Nguyên Cẩn còn lo sợ tình trạng lún nứt nhà do việc thi công công trình gây ra. Ngày 8-1, ông Võ Ngọc Ẩn - phó chủ tịch UBND P.14, Q.6 - cho biết đến nay đã có 27 căn nhà dọc đường Đặng Nguyên Cẩn bị lún nứt từ khi công trình thuộc dự án nâng cấp đô thị TP thi công. Các trường hợp này đã lập biên bản, chụp hình ghi nhận hiện trạng, đồng thời phường đã làm việc với đơn vị thi công, yêu cầu khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Ông Nguyễn Hoàng Nhân, giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP, cho biết đã yêu cầu nhà thầu mời đơn vị kiểm định xem mức độ thiệt hại để thỏa thuận mức bồi thường với người dân. Công việc này được thực hiện sau khi công trình hoàn thành và ổn định. |
Anh Nguyễn Hữu Lợi - chủ cửa hàng xe đạp ở đây - bức xúc: “Đường đi chỉ còn hơn nửa mét, mỗi lần tôi dẫn xe ra khỏi nhà đã khó khăn, nói gì đến việc mua bán. Nhưng tiền thuê mặt bằng, tiền thuế không thể thiếu được”. Trước đây khi chưa có “lô cốt”, anh Lợi kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng, hiện mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn. Trường hợp bám trụ kinh doanh như anh Lợi rất ít, đa số đã trả mặt bằng dọn đi nơi khác hoặc ngưng kinh doanh. Hàng loạt điểm kinh doanh như đại lý điện thoại, gia công cửa sắt, hàng quán ăn uống... cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Theo UBND P.14, Q.6, chỉ trong một đoạn đường ngắn từ ngã tư Tân Hóa đến cầu Tre đã có hơn mười hộ kinh doanh lớn (có đăng ký kinh doanh) thông báo tạm ngưng hoạt động để khỏi phải chịu thuế.
Đề nghị miễn giảm thuế
Ông Nguyễn Hoàng Nhân, giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP, cho biết đang rà soát số “lô cốt” còn tồn tại để tháo dỡ trước ngày 18-1 theo thông báo của Sở Giao thông vận tải. Đối với những “lô cốt” còn lại, ban quản lý đã yêu cầu nhà thầu thu hẹp tới lằn phui đào để hạn chế ảnh hưởng việc đi lại của người dân trong dịp tết. Về việc hỗ trợ những hộ kinh doanh ế ẩm do các công trình thi công của dự án gây ra, ông Nhân cho rằng đây là việc quá khó đối với nhà thầu. Theo ông Nhân, các phương án thi công do nhà thầu đưa ra đều được phê duyệt nhưng do mặt bằng thi công quá chật hẹp nên ít nhiều gây ảnh hưởng.
Bà Phan Hoàng Diệu, giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho rằng người kinh doanh ở khu vực thi công đã bị thiệt hại vì hàng rào công trường bít trước mặt nhà. Nhưng hiện nay trong dự án không có khoản tiền nào để bù đắp thiệt hại cho người dân. Do đó, ban quản lý dự án đề nghị các cơ quan chức năng xem xét miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh trong thời gian thi công công trường.
Việc xem xét miễn giảm thuế có thể căn cứ theo thời gian cấp giấy phép đào đường ở khu vực thi công. Tương tự, ông Đặng Ngọc Hồi, trưởng Phân ban quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, nói trong nhiều cuộc họp, ban quản lý đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét miễn giảm thuế cho những người kinh doanh bị ảnh hưởng do thi công công trình.
Theo bà Phan Hoàng Diệu và ông Đặng Ngọc Hồi, đến nay đã tháo dỡ hàng chục “lô cốt” và từ nay đến trước ngày 18-1 sẽ tháo dỡ thêm một số “lô cốt” nữa. Với các tuyến đường đang thi công dở dang, bà Phan Hoàng Diệu cho biết nhiều nhà thầu đề nghị chỉ thu hẹp hàng rào “lô cốt” để sau tết thi công trở lại, nhưng ban quản lý dự án chỉ xem xét cho thu hẹp hàng rào “lô cốt” đối với những đường rộng, còn đường quá hẹp có thể buộc phải tháo dỡ hàng rào.
Các ban quản lý dự án còn cho biết nhiều tuyến đường tạm ngừng thi công do nghỉ tết, ngay sau tết sẽ thi công trở lại, đồng thời sẽ khởi công xây dựng mới ở một số tuyến đường. Như vậy nhiều “lô cốt” sẽ tiếp tục mọc lên sau tết.
Theo Tuoi Tre Online
▪ Tiểu thương chợ đêm Kỳ Hoà chưa có “chỗ dung thân” (10/01/2009)
▪ Ế ẩm cửa hàng bán gà sạch (10/01/2009)
▪ Từ 9-1, tăng phí xăng dầu (10/01/2009)
▪ Từ 9-1, tăng phí xăng dầu (10/01/2009)
▪ Tết này người tiêu dùng sẽ "chuộng" ăn trứng? (10/01/2009)
▪ Chứng khoán ảm đạm, vàng giảm, USD tăng giá (09/01/2009)
▪ Bánh kẹo nội tăng giá 10 - 15% (09/01/2009)
▪ Đặc sản tết xuất ngoại (09/01/2009)
▪ Xăng dầu, gas "móc túi" khách hàng (08/01/2009)
▪ Vực dậy thị trường nội địa (08/01/2009)