Các mạng di động khó quản lý thuê bao trả trước
Các Website khác - 09/11/2005

Nhằm chiếm thị phần, các nhà cung cấp dịch vụ di động ra sức phát triển thuê bao bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá cước. Thuê bao trả trước chiếm gần 80% tổng số thuê bao, song việc quản lý nhóm khách hàng này rất khó khăn.

Dễ dàng mua thẻ sim điện thoại ngoài đại lý.

Theo thống kê của Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) trong tổng số 1,6 triệu thuê bao trên toàn mạng thì có tới trên 60% là thuê bao trả trước. Với MobiFone, tỷ lệ này là 55-60% trong tổng số 2,7 triệu thuê bao hoạt động thường xuyên trên toàn mạng. VinaPhone được coi là có thị phần lớn nhất song cũng là đơn vị có số thuê bao trả trước nhiều nhất, thường chiếm tới trên 80% trong tổng số 3,1 triệu thuê bao trên toàn mạng.

Số lượng thuê bao trả trước đang có xu hướng tăng lên khi các nhà cung cấp dịch vụ đua nhau hạ giá thẻ sim và tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm chiếm lĩnh thị phần. Các nhà cung cấp dịch vụ cho rằng, với những khách hàng không thích ràng buộc bởi các hợp đồng hoặc với những người thích di chuyển từ mạng này sang mạng khác thì dịch vụ trả trước được coi là xu hướng để họ lựa chọn.

Theo quy định, đối với thuê bao trả sau, khi khách hàng hòa mạng, họ buộc phải có chứng minh thư, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác. Tuy nhiên, đối với thuê bao trả trước, khách hàng chỉ cần điền tên tuổi vào một bản khai nếu ra các bưu cục, bưu điện để đăng ký sử dụng dịch vụ. Mua thẻ sim ở đại lý công cộng thậm chí không cần thủ tục gì. Trong bối cảnh các đại lý ngày càng mọc lên như nấm thì việc khách hàng muốn sở hữu một số điện thoại không khó hơn đi mua rau ngoài chợ. Vì sự dễ dàng này, số lượng các thuê bao điện thoại vô danh ngày càng tăng lên.

Ngoài chức năng liên lạc, điện thoại di động còn có khả năng dẫn đường, thanh toán các dịch vụ công cộng và liên quan đến nhiều vấn đề an ninh khác. Do vậy, việc quản lý các thuê bao điện thoại càng trở thành vấn đề cấp bách. Một số nước như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đã thực hiện chính sách quản lý thuê bao di động một cách chặt chẽ hơn.

Mới đây, Chính phủ Singapore cũng quyết định thắt chặt quản lý các thuê bao di động, kể từ ngày 1/11, các thuê bao điện thoại sử dụng sim trả trước cũng phải đăng ký lại số máy của mình với cơ quan chức năng. Các giới chức tại Singapore cho rằng đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu nguy cơ khủng bố.

Tại VN, các nhà cung cấp chưa đặt ra quy định nào ràng buộc với các thuê bao trả trước. Theo ông Phạm Việt Tú, Phó trưởng phòng kinh doanh Công ty GPC - đơn vị chủ quản mạng di động VinaPhone - thì với phân khúc thị trường mất cân đối giữa thuê bao trả trước và thuê bao trả sau, các nhà cung cấp đang phải đối mặt với một số khó khăn như phân loại đối tượng khách hàng. Thậm chí, khi gặp trường hợp khách hàng phản ánh về một thuê bao nào đó thường quấy rối hoặc thực hiện các phi vụ cướp bóc, nhà cung cấp cũng khó tìm ra nguồn gốc chủ thuê bao.

Theo ông, do không bị ràng buộc bởi hợp đồng hay bất kể điều kiện gì nên việc giữ chân các thuê bao trả trước cũng không phải chuyện đơn giản. "Thậm chí, nhà cung cấp muốn thực hiện việc chăm sóc khách hàng cho các thuê bao trả trước cũng không được, vì không xác định được vị trí của các chủ thuê bao", ông Tú nói.

Ông In Se Hwang, Giám đốc đối ngoại toàn cầu của SK Telecom (Hàn Quốc), cho rằng mải mê chạy theo số lượng và tập trung phát triển quá nhiều thuê bao trả trước là cách phát triển không bền vững. Theo ông, nếu căn cứ vào dân số và chỉ tiêu GDP hàng năm thì VN được coi là thị trường tiềm năng thu hút nhiều đối tác nước ngoài tham gia. Trở ngại khiến SK Telecom khó khăn khi đầu tư vào VN chính là sự mất cân đối giữa các thuê bao trả trước và thuê bao trả sau.

Các thuê bao trả trước hoạt động bất ổn định và không đem lại nguồn thu cao, khiến các nhà cung cấp gặp khó khăn trong cân đối ngân sách. Các doanh nghiệp cũng nhận thấy điều này nên thời gian qua, các chương trình khuyến mãi tặng thêm tiền vào tài khoản, ngày sử dụng... liên tục được tung ra nhằm khuyến khích thuê bao trả trước chuyển đổi sang thuê bao trả sau.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc VNPT, khi số lượng thuê bao đã đạt được một con số đáng kể thì cái đích mà các doanh nghiệp nhắm đến là các khách hàng sử dụng hình thức thuê bao trả sau. Số thuê bao trả trước thường chiếm tới trên 80% thị phần, song khoản doanh thu mang lại chỉ chiếm chưa đầy 40%.

Hồng Anh