Chi 20.000 tỷ đồng tăng lương trong năm 2006
Các Website khác - 28/09/2005

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết số tiền trên đã được cân đối trong dự toán ngân sách năm 2006. Ngoài cải cách lương, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực được nhiều ưu tiên.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính tại phiên họp của các đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự toán ngân sách 2006, tổng chi năm tới là 290.000 tỷ đồng, đầu tư phát triển vẫn được duy trì khoảng 31-32% tổng chi ngân sách. Khoản chi cho tăng lương sẽ vào khoảng 20.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với 3.600 tỷ cho cả năm 2005. Bộ trưởng cho hay, trong năm tới các đợt điều chỉnh lương sẽ đúng tiến độ, chứ không bị chậm như năm nay.

Ngân sách rót cho y tế, giáo dục sẽ tăng từ 19% đến 25%. Theo Bộ Tài chính, mức chi bảo hiểm y tế không những cao hơn hiện nay mà còn được mở rộng hơn tới các đối tượng thuộc chuẩn nghèo mới.

Để cân đối được các khoản chi trên, Chính phủ dự kiến sẽ đẩy tốc độ tăng thu, trong đó mục tiêu đề ra với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 39%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh khoảng 23% và doanh nghiệp nhà nước 12%. Bộ Tài chính cũng dự kiến phát hành hơn 25.000 tỷ đồng công trái, gấp đôi so với năm nay để huy động vốn cho các dự án đầu tư lớn.

Tại buổi thảo luận sáng nay, đa số đại biểu quốc hội cho rằng, tăng chi cho y tế, giáo dục là cần thiết song phải có cơ chế giám sát để tiền ngân sách không bị sử dụng lãng phí. Ông Trần Thanh Khiêm lấy dẫn chứng, dự án sách giáo khoa năm nào cũng tiêu vài chục tỷ đồng nhưng học sinh chỉ dùng được một năm, kiến thức cũng chẳng có gì khác so với trước đây một bộ sách chuyền tay cả 4-5 thế hệ học trò. Ông phê phán: "Ngay tỉnh Cà Mau tôi ở, vùng sâu vùng xa chỗ nào cũng đòi xây trường dựng lớp, giờ nhiều nơi không đủ học sinh, cả tỉnh thừa gần 2.000 giáo viên không có chỗ dạy".

Đại biểu Hà Thị Nhương cũng lấy ví dụ hằng năm ngân sách cấp nhiều kinh phí khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng qua khảo sát thì chỉ có 50% số em được hưởng quyền lợi đó, số tiền thừa đủ xây một bệnh viện nhi lại bị chi sai vô tội vạ.

Một trong các biện pháp tiết kiệm tiền nhà nước được nhiều đại biểu nhất trí là hạn chế lễ hội, kỷ niệm. Ông Đào Xuân Nay kể, có bộ ngành mới thành lập được 3 năm cũng tổ chức lễ rùm beng, hiện VN là một trong những nước có nhiều lễ hội, kỷ niệm nhất châu Á.

Biện pháp tăng thu nhờ sổ xố bị lên án mạnh nhất. Phó chủ tịch quốc hội Trương Quang Được kể có địa phương sản xuất tăng trưởng rất chậm nhưng ngân sách vẫn rủng rỉnh nhờ phát hành xổ số. Đơn cử tỉnh An Giang, 40% ngân sách có nguồn thu từ xổ số mà ra. "Có tỉnh như Lào Cai mở sòng bạc, người Trung Quốc sang rất đông nhưng tới đây nước họ sẽ ngừng cấp giấy thông hành cho những đối tượng này, cứ dựa vào kiểu tăng thu ngân sách như vậy thì nguy", Phó chủ tịch cảnh báo.

Việt Phong