Nên thay đổi cách tính giá điện
Trong tương lai gần, khả năng cung cấp điện chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, tiết kiệm điện là rất cần thiết. Báo Lao Động vừa nhận được bài viết của bạn đọc Trọng Nhân (tập thể ĐH Xây dựng HN) về cách tính giá điện sao cho công bằng, và khuyến khích được việc tiết kiệm điện. Xin giới thiệu để bạn đọc và ngành điện tham khảo.
Cách tính giá điện sinh hoạt hiện nay vừa chưa công bằng, vừa chưa khuyến khích tiết kiệm điện. Đã từ lâu ngành điện thực hiện chế độ thu tiền điện sinh hoạt theo đơn giá luỹ tiến cho từng hộ gia đình sử dụng trong từng tháng. Mới nhìn qua tưởng rằng là hợp lý, vì càng dùng nhiều điện thì phải trả theo đơn giá càng cao. Nhưng phân tích kỹ lại không phải thế.
Nhìn vào bảng tính giá điện phía dưới, có thể thấy việc tính giá điện theo hộ gia đình là bất hợp lý. Cùng một lượng điện tiêu thụ giống nhau (50 kWh/người/tháng), người ở hộ gia đình ít người (hộ 2 người) chỉ phải trả 30.250đ/kWh, trong khi, ở hộ gia đình đông người (hộ 8 người) số tiền điện phải trả lại tăng lên gần gấp đôi (59.744đ/kWh).
Hộ | Điện sử dụng (kWh) | Tiền điện 1 hộ (đ) | Tiền điện bình quân 1 người (đ) | 2 người | 100 | 60.500 | 30.250 | 5 người | 250 | 250.250 | 50.050 | 8 người | 400 | 477.950 | 59.744 |
Chính vì vậy, chúng tôi xin kiến nghị ngành điện: Tính giá điện theo mức sử dụng điện bình quân đầu người thay cho tính theo kiểu hộ gia đình hiện nay.
Xin được đưa ra bảng tính điện như sau (đã làm tròn số cho dễ tính) dựa trên sườn bảng giá điện hiện nay, chỉ khác (điều cơ bản) là điện sử dụng theo từng mức bình quân đầu người.
Mức | Điện sử dụng bình quân (kWh) | Đơn giá (đ/kWh) | 1 | <= 20 | 500 | 2 | 21-30 | 750 | 3 | 31-40 | 1.000 | 4 | 41-50 | 1.250 | 5 | >50 | 1.500 |
Theo bảng trên, chứng tỏ mỗi người dân có quyền được phân phối 20 kWh điện theo giá thấp nhất, nếu quá mức trên sẽ phải trả giá cao, là vì phải tiết kiệm do chưa cân đối được cung cầu.
Bảng trên cho mỗi mức cách nhau 10 kWh/người/tháng. Về đơn giá tăng đều 1,5 lần so với giá khởi điểm. Cách tính mới chỉ khác hiện nay là mỗi mức giá phải nhân số điện bình quân theo mức, với số người trong hộ gia đình. Mức giá cuối cùng là số điện còn lại, trong tổng số điện sử dụng của một tháng.
Ví dụ: Một hộ gia đình có 3 người, điện sử dụng trong tháng là 220 kWh, số tiền sẽ được tính theo 5 mức. Mức 1 bằng 20 kWh (số điện) x 3 người x 500 đồng/1kWh (30.000 đồng). Mức 2 bằng 10 kWh x 3 người x 750 đồng/1kWh (22.000 đồng). Mức 3 bằng 10 kWh x 3 người x 1.000 đ/1kWh (30.000 đồng). Mức 4 bằng 10kWh x 3 người x 1.250đ/1kWh (37.500 đồng). Mức cuối cùng được tính theo cách: 70 số điện x 1.500 đ/1kWh (105.000đ). Tổng cộng theo 5 mức, số tiền điện phải trả (chưa tính thuế) là 225.000 đồng.
Một ví dụ khác: Một hộ gia đình có 5 người, với tổng số điện sử dụng trong một tháng là 250kWh. Số tiền phải trả được tính theo 4 mức. Mức 1 bằng 20kWh x 5 người x 500đ (50.000 đồng). Mức 2 bằng 10kWh x 5 người x 750đ (37.500 đồng). Mức 3 bằng 10kWh x 5 người x 1.000 đồng (50.000 đồng). Mức 4 bằng 50 số (sau cùng) x 1.250 đồng (62.500 đồng). Tổng cộng theo 4 mức, số tiền phải trả (chưa tính thuế) cho 250 số điện với hộ gia đình 5 người là 200.000 đồng.
Qua hai ví dụ trên cho thấy, nếu điện sử dụng bình quân theo đầu người càng cao thì phải trả tiền theo giá bình quân càng cao. Theo ví dụ 1, điện dùng bình quân là 220/3 = 73,3kWh, đơn giá là 225.000/220 = 1.022 đồng/kWh. Theo ví dụ 2, điện dùng bình quân là 250/5 = 50kWh, đơn giá là 200.000 đồng/250 = 800 đồng/ kWh.
Theo cách tính này thì mỗi nhà, mỗi người đều phải có ý thức tiết kiệm điện. Việc ban hành bảng giá theo cách trên cũng sẽ đảm bảo sự công bằng, hợp lý cho người sử dụng. Trọng Nhân |