Chính thức cho phép nhập ôtô cũ
Các Website khác - 13/02/2006

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12 về cơ chế quản lý và điều hành hoạt động xuất nhập khẩu cho giai đoạn sau 2005, trong đó loại ôtô đã qua sử dụng ra khỏi danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Nghị định này có hiệu lực từ 1/5 tới và được dự báo sẽ góp phần hâm nóng thị trường xe hơi trong nước.

Xe nhập sẽ cạnh tranh với xe nội. Ảnh: A.T
Xe nhập sẽ cạnh tranh với xe nội. Ảnh: A.T.

Theo quy định tại khoản 3, điều 10, Nghị định 12, ôtô cũ được nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện đã qua sử dụng không quá 5 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu. Thuế suất nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng là 150% và dự kiến sẽ giảm thấp hơn trong thời gian tới.

Các loại ôtô đã thay đổi kết cấu chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu, bị đục sửa số khung, số máy vẫn thuộc diện cấm nhập khẩu. Xe tay lái nghịch (tay lái bên phải, kể cả dạng tháo rời và dạng đã chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam) cũng bị cấm nhập.

Xe đạp, xe hai bánh, ba bánh gắn máy cũ vẫn nằm trong danh mục các vật tư, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu. Thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu còn có vũ khí, đạn dược, pháo, văn hóa phẩm cấm lưu hành, sản phẩm có chứa amiăng và đặc biệt là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng như dệt may, giày dép, quần áo, đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, hàng trang trí nội thất, thiết bị y tế, đồ gia dụng, các sản phẩm công nghệ thông tin...

Ngoài danh mục hàng cấm xuất nhập khẩu, Nghị định 12 còn có danh mục hàng xuất nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại, theo giấy phép của các bộ quản lý chuyên ngành. Bên cạnh đó, một số mặt hàng phải xuất nhập khẩu theo quy định riêng như gạo và lúa hàng hóa, xăng dầu và nhiên liệu khác, ôtô cũ, thuốc lá điếu, xì gà, hàng phục vụ an ninh quốc phòng, gỗ các loại... Riêng với mặt hàng gạo và lúa hàng hóa, hoạt động xuất khẩu được điều hành hằng năm theo nguyên tắc đảm bảo an ninh lương thực, tiêu thụ hết lúa hàng hóa và đảm bảo giá lúa có lợi cho nông dân, đồng thời phù hợp với mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước.

Năm 1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57 quy định chi tiết Luật Thương mại 1997. Theo Vụ Pháp chế (Bộ Thương mại), Nghị định 57 từng được coi là một bước cải cách hành chính mẽ của Việt Nam vào thời điểm ban hành, bởi nó lần đầu tiên thừa nhận quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của mọi thương nhân, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế cấp giấy phép xuất nhập khẩu theo chuyến... Tuy nhiên, để cụ thể hóa nghị định này, cứ 5 năm một lần, Thủ tướng phải ký quyết định ban hành cơ chế điều hành xuất nhập khẩu cho từng giai đoạn.

Với Nghị định số 12/2006 (thay thế cho Nghị định 57/1998), Việt Nam đã quy định cụ thể cơ chế quản lý xuất nhập khẩu nói chung và cơ chế điều hành xuất nhập khẩu cho giai đoạn sau năm 2005 mà không dừng lại ở thời hạn 5 năm. Chính sách quản lý xuất nhập khẩu ngày càng mang tính ổn định, minh bạch hóa, trực tiếp phục vụ cho việc hoạch định kế hoạch phát triển và hoạt động dài hạn của các thương nhân trên thị trường Việt Nam.

Nghị định 12 cũng thể chế hóa một số công cụ quản lý xuất nhập khẩu mới được quốc tế thừa nhận, đó là hạn ngạch thuế quan và giấy phép xuất khẩu tự động, giấy phép nhập khẩu tự động. Tại Việt Nam, cơ chế quản lý xuất nhập khẩu bằng hạn ngạch thuế quan mới Thủ tướng Chính phủ cho phép được thử nghiệm từ năm 2003. Cơ chế quản lý xuất nhập khẩu bằng giấy phép tự động cũng chỉ mới được chính thức thừa nhận từ đầu năm 2005.

Theo yêu cầu của Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện Nghị định 12 của các bộ ngành phải được ban hành để có hiệu lực thực hiện từ 1/5/2006.

Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại:

Phong Lan

Ý kiến của bạn