Sự ra đời siêu thị, trung tâm thương mại tại TP HCM khiến cho các chợ chóng mặt vì phải chia sẻ khách hàng. Mãi lực nhiều chợ giảm 50-60% so với năm ngoái khiến tiểu thương phải tìm mọi cách kể cả khuyến mãi để thu hút khách.
Trao đổi với VnExpress hôm 19/12, Trưởng Ban quản lý chợ An Đông Nguyễn Thị Như Phương nói rằng, 11 tháng đầu năm, mãi lực chợ An Đông đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái do phải chia sẻ khách hàng với các siêu thị, trung tâm mua sắm khác. "Nếu mãi lực chợ tiếp tục giảm kéo dài mà không có biện pháp nào để khắc phục thì trong thời gian tới tiểu thương sẽ hết sức khó khăn", bà Phương lấy làm lo ngại. Đây cũng là tình hình chung của các chợ trên địa bàn TP HCM.
![]() |
Khách nước ngoài thử giày tại chợ Bến Thành. Ảnh: P.A. |
Phó Ban quản lý chợ Bến Thành, quận 1, Trần Thu Nguyệt cũng thừa nhận, vài năm gần đây mãi lực chợ giảm so với trước mặc dù Bến Thành được thành phố đánh giá là chợ cao cấp nhất TP HCM. Mức thuế đóng góp ngân sách thành phố của tiểu thương chợ Bến Thành cho năm 2005 lên đến 19,2 tỷ đồng, nhưng tiểu thương chợ Bến Thành cũng phải hết sức vất vả để cạnh tranh với các siêu thị và mới đây là chợ phiên cuối tuần.
Theo bà Nguyệt, để thu hút khách đến với chợ, tiểu thương chợ Bến Thành phải thay đổi tư duy buôn bán nhỏ, tổ chức trang trí cửa hàng hiện đại, đẹp và chuyên nghiệp hơn; đồng thời tăng vai trò tư vấn tiêu dùng cho khách mua hàng ngay tại chợ. Hầu hết tiểu thương đều trang bị ngoại ngữ để có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nước ngoài, nhờ vậy hạn chế được tình trạng cò mồi đội giá lên cao vốn trước đây là một vấn nạn của chợ Bến Thành.
"Chợ vẫn có những lợi thế của nó như khách mua hàng được tư vấn tại chỗ như dùng mỹ phẩm nào hợp với da, mua loại vải này có tốt hay không... Quy trình bán hàng và thanh toán tiền theo công nghệ khiến siêu thị không thể làm tốt vai trò tư vấn này cho khách hàng", bà Nguyệt nhận xét.
Bà Kim Loan, chủ sạp vải cùng tên đã đăng ký bán hàng đúng giá cũng cho biết: "Thời buôn bán nói thách đã qua, thời điểm hiện nay buôn bán phải uy tín, giá nhất định, chất lượng tốt thì mới có khách". Hầu hết các quầy sạp ở chợ đều treo biển "Bán đúng giá niêm yết" nên người đi chợ cũng yên tâm, không sợ mua "lố".
![]() |
Khách đi chợ An Đông bỏ phiếu tham dự chương trình khuyến mãi rút thăm trúng thưởng. Ảnh: P.A. |
Tiểu thương chợ Bến Thành đã từng tổ chức chương trình khuyến mãi cho khách đi chợ hồi tháng 9, bằng cách bán hàng giảm giá hoặc mua hàng có quà tặng, thu hút nhiều người tiêu dùng. "Rút kinh nghiệm, Ban quản lý chợ đã cùng tiểu thương chọn tháng 9 làm tháng khuyến mãi mua hàng hàng năm ở chợ Bến Thành. Đây là tháng kinh doanh thấp điểm nhất trong năm", bà Nguyệt nói.
Học tập các chợ lớn, một số chợ bán lẻ như Hòa Bình, Kim Biên, Đồng Khánh... ở quận 5 cũng đang tổ chức khuyến mãi mua hàng trúng thưởng để lôi kéo người đi mua sắm ở chợ thay vì vào siêu thị. 2 tuần qua, khách đi chợ An Đông đã tăng lên khoảng 20% so với trước đó. Theo đánh giá của Ban Quản lý chợ, nguyên nhân là nhờ sức hút của chương trình khuyến mãi do tiểu thương tổ chức đã kéo được người mua sắm đến với chợ. Tiểu thương chợ này đã "treo" 46 giải thưởng cho khách mua hàng ở chợ với tổng trị giá hàng hóa từ 100.000 đồng trở lên, với giải đặc biệt là xe Honda Spacy, giải nhất 1 xe Wave ZX...
Bà Nguyễn Thị Hai, chủ quầy hàng khô, tầng hầm chợ An Đông, nói: "Lần đầu làm khuyến mãi nên còn lạ lắm, nhưng phải thử mới biết là rất vui, khách cũng được kích thích nên ham mua hàng hơn". Còn bà nội trợ Thu "béo", khách đi chợ cũng rất háo hức: "Cứ tưởng siêu thị mới khuyến mãi, chứ đi chợ mà được trúng thưởng thì quá hấp dẫn".
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế thì khuyến mãi chỉ là một trong những biện pháp tạm thời thu hút khách thời gian ngắn. Về lâu dài, để tồn tại và phát triển, chợ phải thay đổi hẳn phong cách kinh doanh hiện nay. Kết quả thăm dò ý kiến người tiêu dùng của VnExpress cũng cho thấy, có đến 55,5% người mua sắm tại siêu thị, trong khi tỷ lệ mua sắm ở chợ đứng vị trí thứ 3 với hơn 10%. Nhiều người vẫn thích cách mua sắm ở bất cứ nơi đâu thuận lợi (25,4%).
|
"Người tiêu dùng Việt Nam thích chọn thực phẩm tươi sống hơn hàng đông lạnh nên thường mua hàng ở chợ cho tiện lợi", bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) phân tích về vai trò của chợ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Sơn thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, vai trò của chợ không thể mất đi mà sẽ tồn tại song song với hệ thống bán lẻ ở siêu thị, trung tâm thương mại. "Tuy nhiên, nếu không thay đổi bộ mặt, chợ sẽ trở nên rất mờ nhạt trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng", ông Sơn nhận định.
"Chợ ngày nay cũng rất đa dạng mặt hàng, nhiều chủng loại mẫu mã, giá cả lại rẻ hơn so với siêu thị..., chỉ có điều không được to đẹp, hiện đại, có nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách", bà Huỳnh Thị Nga, ngụ ở chung cư Hòa Bình, quận 5 nói. Theo bà Nga, nếu chợ chịu "trở mình" hơn nữa trong phong cách phục vụ thì khách sẽ đến mua sắm nhiều hơn.
Phan Anh
▪ Doanh nghiệp dệt may VN tham gia hội chợ tại Đức (19/12/2005)
▪ Ngày đầu thay côngtơ điện tử: Chưa thể triển khai rộng (20/12/2005)
▪ Vừa sửa đã lạc hậu (20/12/2005)
▪ 300 gian hàng dự Saigon Expo 2005 (17/12/2005)
▪ Hệ lụy từ đầu tư tràn lan (20/12/2005)
▪ Sẽ thanh tra 3 dự án trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải (19/12/2005)
▪ Khởi công xây dựng cầu Gò Găng và hồ Sông Ray (19/12/2005)
▪ Bà Rịa- Vũng Tàu: Khánh thành công trình đường ven biển (19/12/2005)
▪ Việt Nam - Algeria tăng cường hợp tác kinh tế (19/12/2005)
▪ Mập mờ để... dễ bóp! (19/12/2005)