Có thể thu phí xếp dỡ container từ năm 2006
Các Website khác - 09/09/2005

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau nhiều năm đàm phán với Hiệp hội hiệp thương các chủ tàu châu Á (IADA), Việt Nam đã nhất trí sẽ áp dụng thu phí xếp dỡ container (THC) theo một lộ trình và với mức ban đầu phù hợp.

Việt Nam mong muốn áp dụng THC theo lộ trình với mức ban đầu phù hợp.

Theo ông Huỳnh, trong buổi làm việc với IADA ngày 19/7 vừa qua, VCCI đã thương lượng với IADA theo hướng áp dụng THC (một loại phí xếp dỡ container từ kho bãi xuống tàu đối với hàng xuất và ngược lại đối với hàng nhập) tại Việt Nam, nhưng có lộ trình. Phía IADA cũng đã đưa ra mức và lộ trình áp dụng, nhưng VCCI chưa chấp thuận.

IADA đưa ra mức phí là 20 USD/container 20 feet và 45 USD/container 40 feet, sau này sẽ thu đầy đủ với các mức lần lượt là 60 USD và 90 USD. Tuy nhiên phía Việt Nam cho rằng, mức phí này quá cao và không phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

Hiện, VCCI vẫn chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và hiệp hội các ngành hàng Việt Nam. Trong tháng 9, phía Việt Nam và IADA sẽ tiếp tục đàm phán về mức và lộ trình áp dụng THC. Dự kiến, mốc thời gian tách THC khỏi giá cước vận tải vào khoảng đầu quý II/2006, và người thuê phương tiện vận tải sẽ phải trả THC.

Đàm phán về THC giữa Việt Nam và IADA đã kéo dài nhiều năm qua. Những năm trước, Việt Nam không chấp thuận việc tách THC ra khỏi cước vận tải, vì cho rằng vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ về khái niệm THC, mức thu và người phải trả loại phí này. Phía Việt Nam vẫn giữ quan điểm nên để THC trong giá cước vận tải và do người thuê vận tải trả, còn phía IADA thì muốn tách THC ra khỏi giá cước vận tải. IADA giải thích, THC ở hai đầu xếp dỡ tương đối ổn định, thanh toán bằng bản tệ, trong khi giá cước vận tải lại thanh toán bằng USD và biến động thường xuyên theo cung cầu và các tác động khác. Do vậy, việc tách THC tạo điều kiện cho mỗi hãng tàu tự chọn cho mình cách thể hiện bản chào giá cước vận tải cho khách hàng: Chào cước gộp cả THC hoặc tách THC khỏi cước vận tải biển.

Theo ông Huỳnh, THC là một tập quán thương mại quốc tế và đã được áp dụng phổ biến rộng rãi ở các nước trong nhiều năm qua. Mặc dù hiệp hội những người gửi hàng ở các nước rất phản đối việc tách THC ra khỏi cước vận tải, nhưng thực tế cho thấy THC đã được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước mạnh về xuất nhập khẩu hàng hoá.

Do vậy, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Thêm vào đó, sớm muộn IADA cũng sẽ thu phí THC, nếu Việt Nam không chấp thuận cho phép thu THC thì rất có thể, IADA sẽ tự động thu với mức không có lợi cho phía các nhà xuất, nhập khẩu Việt Nam. "IADA đã nhiều lần gửi văn bản cho biết sẽ thu THC và thực tế đã có trường hợp họ thu phí này của các nhà mua và bán hàng hoá của Việt Nam. Nếu để IADA thu thì mức giá sẽ khác, còn nếu phía Việt Nam đàm phán thì sẽ có được mức giá khác thuận lợi hơn", ông Huỳnh nói thêm.

Trao đổi với VnExpress, ông Diệp Thành Kiệt, Tổng giám đốc Công ty Wec Sài Gòn cho biết, trước đây, với mỗi container 20 feet, công ty phải trả 800.000 đồng phí vận chuyển container trong thành phố và 500.000 đồng phí dỡ container xuống kho bãi tại cảng (khác với THC). Với container loại 40 feet, số tiền phải trả lần lượt là 1,1 triệu đồng và 500.000 đồng. Chưa kể đến các loại phí "bôi trơn" khác, nếu thu thêm THC nữa thì số tiền mà doanh nghiệp phải chi ra sẽ rất lớn.

Ông Lê Minh, Giám đốc chi nhánh Công ty kho vận Miền Nam tại Hà Nội (Sotran) cũng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam đã phải chịu rất nhiều mức phí khác nhau, những phí này phần lớn là cao hơn so với khu vực. Do vậy, nếu áp dụng thêm cả việc thu phí THC thì sẽ tác động lớn đến sức chịu đựng của các doanh nghiệp.

Trước phản ứng trên của các doanh nghiệp, ông Huỳnh cho rằng, từ trước đến nay các doanh nghiệp VN tưởng là mình không phải trả phí THC, thực tế là mọi thứ đều đã tính trong giá mua, giá bán. Theo ông, việc tách dần và thu THC theo lộ trình bắt đầu từ khoảng đầu quý II năm sau không ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam. Thời gian từ nay đến lúc đó còn đủ để các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam đàm phán với các nhà xuất nhập khẩu nước ngoài về việc ai trả THC ở Việt Nam. Nếu người mua, người bán nước ngoài trả thì mọi việc vẫn bình thường như trước đây. Còn nếu các nhà xuất nhập khẩu của Việt Nam phải trả thì trong giá bán, mua hàng hoá phải thoả thuận rõ điều này.

Ở các nước, việc đàm phán THC không phải do phòng thương mại làm, mà do hiệp hội của những nhà gửi hàng thực hiện. Vì vậy, VCCI cũng đề nghị Hiệp hội các ngành hàng của Việt Nam thành lập một hiệp hội tương tự. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam lại tỏ ra không mấy mặn mà với việc này. "Về lâu dài, VCCI sẽ rút ra và chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp là người hiểu rõ lợi ích của mình, do vậy nếu họ đứng ra trực tiếp đàm phán thì sẽ thuận lợi hơn", ông Huỳnh nói thêm.

Đối với Việt Nam, vận tải biển tham gia vận chuyển tới 90% hàng hoá xuất nhập khẩu, trong đó vận tải bằng tàu container chiếm tới 99%. Ông Huỳnh cho biết, khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam ngày một tăng lên, đặc biệt là hàng hoá vận chuyển bằng container.

Hà Vy