Công nhân Công ty càphê Đắc Nông khốn đốn vì nợ
Các Website khác - 08/12/2005
Công ty càphê Đắc Nông (Tổng Cty Càphê Việt Nam):
Công nhân khốn đốn vì nợ
Đặng Trung Kiên

Niên vụ càphê 2005 vừa kết thúc. Thay vì gặt hái thành quả của một năm lao động, thì hàng trăm công nhân (CN) ở Cty càphê Đắc Nông phải lâm cảnh nợ nần chồng chất vì mất mùa, khoán cao.

Mót càphê rơi vãi - nguồn thu nhập
duy nhất của CN.
Vượt hay không cũng đều... nợ
Hai mẹ con chị Lê Thị Hưng và Đỗ Thị Hoà - CN đội 2, nhận khoán 2 lô càphê chè (arabica) với diện tích 1,4ha. Cuối vụ, thu dọn sạch sẽ được 8,2 tấn càphê tươi, vượt khoán 2 tấn nhưng vẫn... méo mặt.

Chị Hưng tính: 2 tấn càphê tươi bán được 8 triệu đồng, trong khi nợ Cty 17 triệu chưa tính lãi (tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới). "Nhà có 4 lao động suốt cả năm bán mặt cho đất, chẳng những làm không công mà còn nợ hơn 9 triệu đồng. Cứ nợ mới chồng lên nợ cũ thế này, không biết đến bao giờ tôi mới trả hết" - chị Hưng than vãn. Song chị Hưng vẫn còn may, chứ nhiều CN khác phải gánh cả 2 khoản nợ một lúc (nợ đầu tư và hụt sản lượng).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ CN lãnh nợ, mà nhiều hộ gia đình liên kết với Cty càphê Đắc Nông cũng khốn đốn không kém. Chị Vũ Thị Tạy - ở Nông trường Đắc Ngo nhận 1,5ha càphê vối (robusta), theo tỉ lệ ăn chia 4/6, chị phải nộp 5,8 tấn tươi cho Cty, nhưng vét sạch cũng chỉ được 3,5 tấn.

Nợ nhiều nhất là các trường hợp vừa làm CN, vừa liên kết nhận khoán với Cty, như anh Nguyễn Văn Bảo nợ tổng cộng gần 50 triệu chỉ trong một vụ càphê (5ha). Bao nhiêu công sức, vốn liếng đổ hết vào vườn cây mà không thu được đồng nào, nên đời sống của hầu hết CN và hộ liên kết rất khó khăn. Cùng với phương thức khoán gọn vườn cây, người lao động phải đóng luôn 100% bảo hiểm xã hội, và tất cả đều... xin thôi.

Doanh nghiệp tự cứu mình trước
Theo ông Hồ Văn Sơn - Giám đốc Cty, CN nợ nhiều là do... càphê mất mùa. Tổng sản lượng thu hoạch toàn Cty dự kiến chỉ đạt 2.550 tấn quả tươi, bằng 60% kế hoạch, nhiều vườn cây chỉ đạt 50% kế hoạch. Dù vậy, Cty vẫn phải thu 100% sản lượng thu hoạch được để thanh toán vật tư và trả lãi ngân hàng, nên CN không có khoản thu nhập nào. "Mất mùa là tình trạng chung ở Tây Nguyên, nhưng với chúng tôi thì khó khăn gấp bội, vì tài chính đang thâm thủng nặng nề sau nhiều năm thua lỗ" - Giám đốc Sơn cho biết.

Vậy có biện pháp nào chia sẻ khó khăn với người lao động không? - "Cty chỉ có thể cho CN nợ tiền đầu tư, và tiếp tục đầu tư trong vụ tới để duy trì vườn cây".

Thành lập đầu năm 2005, trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị cũ là Nông trường Đắc Ngo (Cty càphê 719), Nông trường Đức Tín (Công ty càphê Việt Thắng) và Cty vật tư càphê Tây Nguyên; Cty càphê Đắc Nông hiện có 1.000ha càphê kinh doanh, cùng với một khoản nợ lên tới 79 tỉ đồng.

Theo phương án đã được TCty Càphê Việt Nam phê duyệt, Cty càphê Đắc Nông sẽ chuyển sở hữu vườn cây cho CN, để CN nhận nợ với ngân hàng; còn doanh nghiệp chỉ làm dịch vụ cung ứng vật tư, thu mua, chế biến nông sản.

Tuy nhiên, đó vẫn là chuyện của tương lai. Hàng trăm CN đang đối mặt với nợ nần, họ không biết ăn gì để tiếp tục sản xuất trong vụ tới, và cũng chưa ai dám chắc là vụ tới lại không... mất mùa.

Thêm một câu hỏi khác đặt ra, là gần 1.000ha càphê của Nhà nước liệu có được chăm sóc, bảo vệ tốt khi mà người lao động không còn mặn mà với Cty?