Trợ giá sai mục đích, ai hưởng lợi? Hồng Quân Hàng năm, ngân sách trung ương phải bỏ ra khoảng trên 200 tỉ đồng để thực hiện chủ trương trợ giá, trợ cước cho đối tượng là đồng bào miền núi, hải đảo đời sống khó khăn. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cũng cho thấy, nhiều bất cập làm hạn chế đáng kể hiệu quả của một chủ trương đúng.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng (Thanh tra Tài chính) trong năm 2005 tiến hành thanh, kiểm tra tại 28 tỉnh, thành về việc thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước thì hầu hết các tỉnh, thành đều có sai phạm. Tỉnh Quảng Ninh, cơ quan kiểm tra phát hiện dầu hoả cấp cho dân thắp sáng, nhưng thực tế dân sử dụng để đánh bắt cá, làm rừng; muối iốt cấp cho dân thì dân dùng chăn nuôi gia súc, ướp cá... Còn tại tỉnh Ninh Thuận, do các sở, ban ngành tham mưu cho chính quyền xây dựng kế hoạch trợ giá giống cây trồng tại các địa phương không có nhu cầu, dẫn đến kinh phí trợ giá không biết dùng vào việc gì; chưa kể việc xây dựng kế hoạch trợ giá, trợ cước phân bón, thu mua nông sản không sát, dẫn đến tình trạng chỉ có 9/23 xã có nhu cầu tiêu thụ phân bón, 12/26 xã có thu mua nông sản... Điển hình là các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Ninh (Công ty CP thương mại Quảng Ninh, Cty CP vật tư nông nghiệp), tỉnh Yên Bái (Công ty vật tư nông nghiệp), đoàn kiểm tra không xác định được đại lý bán cho các đối tượng nào, giá bao nhiêu do không có niêm yết giá, không có sổ sách theo dõi. Tại tỉnh Bình Phước, kiểm tra 47 đại lý thì chỉ có 2 đại lý bán đúng giá còn lại 45 đại lý bán cao hơn giá quy định và không niêm yết giá. Thực tế hiện nay, một số nơi phương thức bán hàng trợ giá, trợ cước chủ yếu là các đơn vị bán đến các cửa hàng, đại lý theo giá quy định, còn các cửa hàng, đại lý bán như thế nào, giá bao nhiêu, cho đối tượng nào thì... có trời kiểm soát. Thế nên, tại Yên Bái, Công ty giống cây trồng bán tăng giá thóc nhị ưu 838 từ 17.000đ/kg lên 18.500đ/kg, chênh lệch 1.500đ/kg, tổng chênh lệch 106.668.000đ; tại Bình Thuận, Công ty dịch vụ nông nghiệp tỉnh quyết toán cao hơn thực tế 62,9 tấn phân bón, chênh lệch gần 6,5 triệu đồng. Công ty cổ phần thương mại bán muối cao hơn quy định 50đ/kg với khối lượng 110.550kg. Cá biệt hơn, tại xã Hát Lừu - huyện Trạm Tấu - Yên Bái, cán bộ xã quyết định để lại hàng trăm kilôgram lúa giống chia cho mình và họ hàng, người thân, trong khi lẽ ra số lúa này phải đưa vào quỹ trợ giá cho dân. Chẳng hạn như quy định đơn giá trợ cước, hiện có 2 văn bản "đá" nhau là Quyết định số 89 của Trưởng ban Vật giá Chính phủ và Nghị định 20 của Chính phủ, trong đó quy định việc giao toàn quyền hay phải xin ý kiến của Ban Vật giá Chính phủ cho chủ tịch UBND tỉnh về quy định đơn giá trợ cước trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc phân bổ kinh phí trợ giá, trợ cước hàng năm, Uỷ ban Dân tộc đều có văn bản thông báo cho các tỉnh việc phân bổ số kinh phí trợ giá, trợ cước được cấp từ ngân sách trung ương cho từng mặt hàng cụ thể. Nhưng do có sự thiếu thống nhất trong thẩm quyền phân bổ như đã nói trên nên chính sách trợ giá, trợ cước còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong công tác quản lý, khó giám sát, tạo kẽ hở phát sinh tiêu cực, hạn chế hiệu quả của đối tượng hưởng lợi từ chính sách... |
▪ Tin kinh tế ngày 8.12 (08/12/2005)
▪ Sáu lĩnh vực kết nối kinh tế VN- Singapore (08/12/2005)
▪ Có thể không bị truy nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản (08/12/2005)
▪ VN Airlines: Tăng chuyến, chắc chắn chúng tôi lỗ (08/12/2005)
▪ Cam kết ODA cho VN 3,7 tỉ USD: Tăng mạnh so với năm trước (08/12/2005)
▪ Cơ sở dữ liệu của MobiFone bị lộ (08/12/2005)
▪ Thép đang bị bán phá giá (07/12/2005)
▪ Thai Airways có thể bị kiện vì không chở cá cảnh (07/12/2005)
▪ Đã có công thức tính thuế chống bán phá giá (07/12/2005)
▪ Đề án thuê tổng giám đốc còn xa vời (07/12/2005)