Cty thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí "xù nợ" doanh nghiệp Thái Lan: Thích - làm, không thích - thôi
Lãnh đạo Cty SW Multi Tech Starch, Thái Lan, (sau đây sẽ gọi tắt là Cty SW) vừa gửi đơn khiếu nại lên Tổng Thanh tra Chính phủ và ngày 11.9.2004 - lên Thủ tướng Phan Văn Khải "đề nghị ngài Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo chấm dứt việc can thiệp hành chính của Bộ Công nghiệp, Viện Nghiên cứu cơ khí vào quan hệ kinh tế giữa 2 DN, bảo vệ quyền lợi chính đáng của một DN nước ngoài đang hoạt động ở VN". Vì sao lại có việc khiếu nại này?
Thích thì làm Ngày 14.1.2003, ông Nguyễn Xuân Thuý - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp VN, ký Quyết định số 77 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất tinh bột sắn công suất 60 tấn/ngày, tại Nhà máy dầu Hà Bắc (xã Song Mai, thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), chủ đầu tư là Cty thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí (sau đây sẽ gọi tắt là Cty thiết kế CK) thuộc Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công nghiệp. Tổng vốn đầu tư 42,27 tỉ đồng. Đúng 5 tháng sau, vẫn Thứ trưởng Thuý lại ký phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu số 1 "Cung cấp, lắp đặt thiết bị và chuyển giao công nghệ dây chuyền sản xuất tinh bột sắn" thuộc dự án trên. Cty thiết kế CK được giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu. Ngày 4.11.2003, Giám đốc Cty - ông Nguyễn Huy Hiếu, gửi thông báo tới Cty SW nói rằng: "Quý Cty đã trúng thầu gói thầu số 1 với giá 1.725.000USD. Mời đến thương thảo để ký HĐKT".
Cty SW (Thái Lan) không xa lạ gì với thị trường VN. Họ mở văn phòng đại diện tại 295/3 đường Nơ Trang Long, P13, Q.Bình Thạnh, TPHCM và đã đầu tư, liên doanh thành công trong lĩnh vực chế biến tinh bột sắn qua các dự án ở An Giang, Thanh Hoá, Bình Phước. Ngay sau khi ký HĐKT ngày 20.11.2003 (thời hạn thực hiện HĐ - 7 tháng), Cty SW đã đặt mua các cụm thiết bị chính tại Đức, đã làm bảo lãnh thực hiện HĐ (bằng 10% giá trị HĐ), nộp trước 5% (86.250USD) tại Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Bắc Giang. Trước đó đã chuyển tiền mặt (30.000USD) bảo lãnh dự thầu vào NH Đầu tư & Phát triển Cầu Giấy (Hà Nội).
Không thích thì... thôi! Ngày 6.7.2004, ông Nguyễn Trọng Thoong - Trưởng đại diện văn phòng Cty SW rất bất ngờ khi được ông GĐ Nguyễn Huy Hiếu đưa đọc bản thông báo số 112/04/TB - NCCK của ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí Nguyễn Chỉ Sáng ký. Bản thông báo viết: Tại cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ Công nghiệp với lãnh đạo Viện Nghiên cứu cơ khí, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp đã yêu cầu GĐ Cty thiết kế CK kiểm điểm việc đem trụ sở cơ quan viện (23 phố Cát Linh, Hà Nội) thế chấp để vay vốn của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Cầu Giấy, Hà Nội; thực hiện CPH từng bộ phận Cty, trước hết là Nhà máy dầu Hà Bắc. Trong thời gian CPH, tạm ngừng đầu tư dây chuyền chế biến tinh bột sắn. Một cuộc đấu thầu quốc tế đã bị huỷ bỏ một cách giản đơn, dễ dàng như thế!
Tá hoả, ông Thoong thảo một bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, hỏi rằng: "Khi tham gia đấu thầu phải nộp tiền bảo lãnh dự thầu; khi trúng thầu phải nộp tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Nếu người tham gia thầu không thực hiện HĐ, chủ đầu tư có quyền thu bảo lãnh. Ngược lại, nay chủ đầu tư đơn phương đình chỉ HĐ thì ngài Bộ trưởng xử lý thế nào?". Tính ra, đến ngày 26.2.2005, ông Thoong đã gửi 7 lá đơn thư nội dung tương tự tới Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
2 tuần sau khi ông Thoong gửi đơn lên Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên, Bộ Công nghiệp có văn bản gửi ông Thoong, nói rằng: Một - Bộ Công nghiệp đã chỉ đạo Cty thiết kế CK thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình với các nhà thầu, trong đó có việc trả lại 30.000USD tiền bảo lãnh dự thầu của Cty SW (Thái Lan). Hai - tình hình tài chính của Cty thiết kế CK đang nguy ngập, do đó cần tạm dừng việc thực hiện dự án.
Ngày 2.2.2005, Cty SW đã yêu cầu Cty thiết kế CK, Viện Nghiên cứu công nghiệp, Bộ CN thực hiện nghĩa vụ tài chính (được quy định tại điều khoản 21, điều 1 NĐ 66/2003 của CP) với Cty SW: Hoàn trả lại 50.276USD (bao gồm cả chi phí mời 24 cán bộ của Bộ Công nghiệp, Viện Nghiên cứu cơ khí và Cty thiết kế CK đi Thái Lan 2 lần - 7.248USD v.v...). Cho đến hôm nay, Cty thiết kế CK mới trả hết cho SW (Thái Lan) 30.000USD (số tiền bảo lãnh dự thầu), sau đó là sự... im lặng.
Ngày 18.5.2005, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội đã gửi công văn khẩn tới Bộ Ngoại giao VN mong muốn "Bộ Ngoại giao VN có thể thu xếp với các cơ quan có thẩm quyền và liên quan của VN giải quyết vấn đề một cách công bằng, hầu tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư ở VN". Hà Linh Quân |