Cụm khí điện đạm Cà Mau: "Người khổng lồ" nơi đất mũi
Các Website khác - 10/04/2006
Khởi công Cụm khí điện đạm Cà Mau:
"Người khổng lồ" nơi đất mũi


Ngày 9.4, tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, TCty Dầu khí VN đã khởi công Cụm khí điện đạm Cà Mau trị giá 1,2 tỉ USD - công trình khí điện đạm lớn nhất VN. Công trình không chỉ có ý nghĩa chiến lược về mặt kinh tế, mà còn góp phần đảm bảo vững chắc an ninh - quốc phòng của đất nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Ngay tại buổi lễ, công trình này đã được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn là công trình thanh niên. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát lệnh khởi công.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
phát lệnh khởi công (ngày 9.4).
3 "người khổng lồ" trong 1

Cụm khí điện đạm Cà Mau gồm 3 công trình: Đường ống dẫn khí từ mỏ PM3 tại khu vực chồng lấn VN - Malaysia đến Cà Mau dài 325km, trong đó có 298km trên biển công suất vận chuyển 2 tỉ mét khối/năm, tổng mức đầu tư 299 triệu USD. Tổng thầu là Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro). Hai nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Cà Mau 1 và Cà Mau 2, tổng công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư hơn 864 triệu USD, nhà tổng thầu EPC là TCty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và nhà thầu cung cấp thiết bị chính là Tập đoàn Siemens (CHLB Đức).

Nhà máy đạm công suất 800.000 tấn/năm; tổng mức đầu tư 492,75 triệu USD. Dự kiến đường ống dẫn khí sẽ hoàn thành vào tháng 12.2006, cung cấp dòng khí đầu tiên vào tháng 1.2007 để chạy thử Nhà máy điện Cà Mau 1 (dự kiến sẽ hoạt động vào tháng 12.2007) và Cà Mau 2 sẽ hoàn thành vào tháng 3.2008. Đây là công trình đòi hỏi tiến độ rất gắt gao, trong khi nền đất tại nơi xây dựng nhà máy rất yếu.

Ông Phạm Hùng - Tổng Giám đốc Lilama - cho biết, chiếc cọc đầu tiên dài 75m đóng xuống nền đất mất tăm, vì thế Lilama đã áp dụng công nghệ hút chân không lần đầu tiên được sử dụng tại VN để gia cố và xử lý nền móng, đảm bảo an toàn công trình và rút ngắn thời gian xây dựng.

Đúng tiến độ, chất lượng và không thất thoát
Đó là yêu cầu mà Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu và các ban, ngành liên quan phải thực hiện trong quá trình thực hiện công trình này. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 nằm trong Cụm khí - điện - đạm Cà Mau là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng cả nước và đặc biệt là vùng ĐBSCL.

Những chiếc cọc đầu tiên được
đóng xử lý nền móng.
Khi đưa vào sử dụng, hai nhà máy này sẽ hoà vào lưới điện quốc gia 10 tỉ kWh điện mỗi năm, tương đương với mức doanh thu 500 triệu USD. Theo tính toán, từ nay đến năm 2010, sản lượng điện cả nước mỗi năm phải tăng từ 15 - 17%, nghĩa là đến năm 2010 sản lượng điện phải tăng gấp đôi hiện nay mới đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH đất nước.

Cụ thể, năm 2005, sản lượng điện nước ta đạt 55 tỉ kWh, đến năm 2010 con số này phải đạt 113 - 115 tỉ kWh. Nếu hai nhà máy Cà Mau 1 và 2 không phát điện đúng tiến độ, thì cũng đồng nghĩa, đến thời điểm đó, nước ta sẽ thiếu chừng đó điện năng".

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư, nhà tổng thầu và các bên liên quan phải đặc biệt đảm bảo chất lượng công trình, thực hiện nghiêm túc các quy định về đầu tư xây dựng của Nhà nước, tránh thất thoát.

Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước phải giám sát chặt chẽ công trình, đảm bảo chất lượng. Phó Thủ tướng cũng nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng của chủ đầu tư, hai tổng thầu Lilama và Vietsovpetro và tỉnh Cà Mau trong việc chuẩn bị đầu tư công trình.

Bích Liên

Công trình Nhà máy điện Cà Mau cũng đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và TCty Dầu khí VN chọn là công trình thanh niên. Ngay tại lễ khởi công, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đào Ngọc Dung đã phát động cuộc thi đua "4 nhất" trên công trường với các mục tiêu: Sáng tạo nhất - chất lượng cao nhất - tiến độ nhanh nhất và an toàn nhất. Cũng ngay tại buổi lễ, các đơn vị chủ đầu tư và các nhà thầu đã trao tặng tỉnh Cà Mau gần 4 tỉ đồng để xây trường học.