Thời gian qua, giảm giá cước, tăng các chương trình khuyến mãi đã trở nên phổ biến ở các mạng di động và gây tâm lý lo ngại về chất lượng dịch vụ cho không ít người sử dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc chiến này mới chỉ bắt đầu và giá cước sẽ còn tiếp tục giảm mạnh vào những năm tiếp theo.
Giá cước các dịch vụ viễn thông sẽ còn giảm. Ảnh. Anh Tuấn |
Bộ Bưu chính Viễn thông vừa cho phép 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone giảm cước ở mức 15-17,4%. Tuy mức cước này mới chỉ bằng một nửa so với phương án mà VNPT trình trước đó song nó cũng tác động đáng kể đến các doanh nghiệp mới và chuẩn bị ra mắt. Nhiều chuyên gia viễn thông lo ngại động thái này sẽ là điểm khởi đầu cho một cuộc đua mới về giá, tác động không tốt đến thị trường. Bởi lâu nay, sau mỗi lần giảm cước, tốc độ thuê bao phát triển nhanh và như một tất yếu, chất lượng dịch vụ cũng sẽ giảm theo.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại không hoàn toàn nghĩ như vậy, họ cho rằng, thị trường viễn thông đang phát triển đúng hướng và cuộc chiến giữa các doanh nghiệp viễn thông mới chỉ là bước tập dượt để doanh nghiệp VN cứng cáp hơn khi mở cửa thị trường.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô, Viện Kinh tế VN, cho rằng, cạnh tranh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thị trường viễn thông có nhiều nhà khai thác. Theo ông, có thể nhận thấy rất rõ kể từ khi Viettel ra đời, thị trường viễn thông đã bùng nổ thực sự với tốc độ phát triển 100% và giá cước cũng giảm tương đối. Nếu như trước đây, điện thoại là một vật xa xỉ của những người lắm tiền thì giờ đây đã trở nên bình dân. Rõ ràng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông đã khiến giá các dịch vụ giảm xuống đáng kể và để thu hút được khách hàng, các nhà cung cấp phải tìm mọi cách để chất lượng dịch vụ được tốt hơn.
Theo ông Thiên, việc các doanh nghiệp viễn thông giảm cước cần khuyến khích và phải được nhìn nhận dưới góc độ thị trường và cả nền kinh tế bởi giá các dịch vụ viễn thông ảnh hưởng đáng kể đến giá thành sản phẩm của nhiều doanh nghiệp.
"Có thể thấy rất rõ hiện nay, dịch vụ viễn thông chiếm một phần chi phí đáng kể trong hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, khi giá cước di động giảm thì chi phí sản xuất của các doanh nghiệp giảm theo và sẽ tác động gián tiếp đến giá đầu ra của các sản phẩm khác", ông nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng, giảm giá viễn thông là tất yếu trong bối cảnh có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ và sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tiếp theo. "Tuy nhiên, việc giảm cước có biến thành câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh hay không sẽ phụ thuộc vào cách thức quản lý của Bộ Bưu chính viễn thông", ông Phong nói.
Theo ông, Bộ chủ quản cần quản lý giá cước theo hướng giảm giá nhưng phải có sự hợp thương giữa các doanh nghiệp và được căn cứ vào chi phí sản xuất thực tế. "Nếu doanh nghiệp nào đưa ra mức giá vượt quá chi phí cho phép sẽ xếp vào loại cạnh tranh không lành mạnh và có hình thức xử lý xác đáng", ông Phong nói.
Nhận xét về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp VN khi mở cửa thị trường, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, di động là lĩnh vực siêu lợi nhuận và đang thu hút sự chú ý của các đối tác nước ngoài khi mở cửa thị trường bởi giá của VN về cơ bản vẫn cao hơn mức bình quân của thế giới.
"Việc các doanh nghiệp chạy đua giảm cước trong thời gian qua về cơ bản là tốt và đây chỉ là một bước tập dượt. Nếu giữa các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh được với nhau thì khi mở cửa thị trường họ mới không bị lép vế khi phải đối mặt với những đối thủ sừng sỏ nước ngoài", ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Hồng Anh
Theo dòng sự kiện: |
Giảm giá cước (17/09) |
▪ Đà Nẵng: Tiêu huỷ gần 1.000 phụ tùng xe máy giả (17/09/2005)
▪ Giá vàng tiếp tục "leo thang" (17/09/2005)
▪ Khắc phục sự cố "chết" máy ATM (17/09/2005)
▪ Lạm phát có thể tới 10% (17/09/2005)
▪ Vụ côngtơ điện tử: Thống nhất hai phương án bồi hoàn (17/09/2005)
▪ Một kiến nghị... lạc lõng (17/09/2005)
▪ Mạnh tay với gian lận thẻ thanh toán (17/09/2005)
▪ Trung tâm thương mại tìm mọi cách để tồn tại (17/09/2005)
▪ Hà Nội sắp khai trương trung tâm mua sắm cao cấp đầu tiên (15/09/2005)
▪ Quy hoạch và quản lý quy hoạch: Vẫn chưa thể tìm thấy lối ra (15/09/2005)