Trung tâm thương mại tìm mọi cách để tồn tại
Các Website khác - 17/09/2005

Các trung tâm mua sắm tại TP HCM đang có xu hướng chọn cho mình những khách hàng mục tiêu khác nhau để xây dựng chiến lược quảng bá thích hợp, chuẩn bị cho thời kỳ cạnh tranh gay gắt khi các đại gia bán lẻ hàng đầu thế giới tràn vào Việt Nam.

Một góc thời trang của Trung tâm thương mại ZenPlaza.

Nếu ZenPlaza chọn mục tiêu trở thành một trung tâm thời trang hàng hiệu để các nhà thiết kế trẻ Việt Nam "tung hoành", thì nhà bán lẻ Parkson hướng đến khách hàng tiêu dùng thời trang cao cấp quốc tế. Thương xá Tax tập trung vào đối tượng khách du lịch bởi lợi thế ở ngay trung tâm thành phố và bề dày kinh doanh xuất khẩu hàng cho khách du lịch người Nga. Trẻ tuổi hơn so với các trung tâm thương mại này, Diamond Plaza nhắm đến loại hình khách mua sắm tổng hợp.

"Sinh sau đẻ muộn", trung tâm mua sắm dành cho gia đình Saigon Center cũng vừa mở cửa với việc kinh doanh các mặt hàng trang trí nội thất; thời trang, đồ chơi và vật phẩm dành cho trẻ em. Bà Jane Neo, phụ trách Bộ phận tiếp thị trung tâm mua sắm Saigon Center, cho biết: "Do mặt bằng không rộng nên chúng tôi chọn lọc những mặt hàng chuyên đề nhắm vào khách hàng trung lưu. Họ là những người phụ nữ của gia đình và trẻ em". Hiện tại trung tâm này có 40 cửa hàng kinh doanh tập trung vào mặt hàng dành cho gia đình.

Bên cạnh hoạt động mua bán thường nhật, các trung tâm thương mại luôn phải tổ chức những "sự kiện" để thu hút khách hàng. Đó cũng là lý do để Zen Palaza định kỳ mỗi tháng tổ chức chương trình giới thiệu các mẫu thiết kế thời trang mới nhất của những nhà thiết kế trẻ Việt Nam; Diamond Plaza hay Thương xá Tax với những chương trình khuyến mãi giảm giá thường xuyên...

Hàng loạt trung tâm thương mại mới xuất hiện trong thời gian gần đây đã làm cho cạnh tranh của khu vực kinh doanh này "nóng" lên. Theo Bộ Thương mại, đến nay cả nước có khoảng 160 siêu thị và 32 trung tâm thương mại. Chưa kể các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài đang "ngấp nghé" vào thị trường Việt Nam. Tổng mức luân chuyển hàng hoá của VN đạt khoảng 24 tỷ USD trong năm 2004, mức độ tăng trưởng bình quân trong những năm gần đây khoảng 20%.

Nguồn tin từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho hay, trong năm nay, một số tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã đến khảo sát thị trường và bày tỏ ý định đầu tư vào VN. Trong số đó có Tesco của Anh, tập đoàn bán lẻ đứng thứ 6 thế giới với doanh số gần 40 tỷ USD mỗi năm; tập đoàn Giant South Asia Investment Pte của Singapore cũng đang mong muốn được cấp phép hoạt động tại VN. Wal-Mart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, và Carrefoul, nhà bán lẻ lớn thứ hai thế giới cũng đã đưa VN vào kế hoạch mở rộng các thị trường trọng điểm trong thời gian tới.

Sự xuất hiện của các "đại gia" bán lẻ quốc tế với khả năng vốn lớn, kỹ thuật quản lý hiện đại, có kinh nghiệm kinh doanh cũng như sự hỗ trợ từ mạng lưới kinh doanh toàn cầu đang gây sức ép lớn lên hệ thống phân phối nhỏ bé, còn mang nặng tính tự phát, thiếu bền vững của VN.

Các nhà phân phối hàng hóa tại Việt Nam cũng đang mở hết tốc lực để chiếm lĩnh thị trường trước khi cạnh tranh trở nên cực kỳ gay gắt hơn so với hiện tại. Metro Cash & Carry - nhà phân phối lớn thứ 5 thế giới, là một trong hai tập đoàn phân phối có mặt đầu tiên tại VN từ năm 2002, đã nhanh chóng xây dựng 4 trung tâm phân phối ở TP HCM, Hà Nội và Cần Thơ. Gần đây, Metro đã đẩy nhanh kế hoạch mở rộng của mình bằng việc khởi công Metro Hải Phòng trong tháng 5 và Metro Đà Nẵng trong tháng 7, đồng thời đưa trung tâm thứ hai ở Hà Nội đi vào hoạt động. Mới đây, Metro đã tổ chức hội nghị 500 nhà cung cấp hàng hóa trong nước cho hệ thống siêu thị Metro nhằm củng cố chính sách bán hàng và phát triển nguồn hàng.

Trong lúc đó, Big C sau khi khai trương siêu thị ở Hà Nội, cũng đang tiếp tục kế hoạch đầu tư 120 triệu USD mở các siêu thị tại Cần Thơ, Đà Nẵng và mở thêm nhiều siêu thị tại Hà Nội và TP.HCM. Tháng 6 vừa qua, "đại gia" bán lẻ nước ngoài thứ ba là tập đoàn Parkson của Malaysia đã chính thức tham gia thị trường Việt Nam bằng việc khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên ở TP HCM trong hệ thống 10 trung tâm mà tập đoàn này dự định đầu tư tại VN.

Còn nhà phân phối số 1 Việt Nam hiện nay là Saigon Co.op cũng đang "cố bươn chải" bằng việc đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối về các tỉnh, hiện đại hóa phương thức bán hàng bằng việc nâng cấp phần mềm tính cước, trang bị hệ thống chất lượng HCCP, ISO... cũng như liên kết với các nhà phân phối nội địa khác nhằm nâng cao sức cạnh tranh khi đối đầu với các nhà bán lẻ quốc tế. "Trong bối cảnh này, nhà phân phối Việt Nam chỉ có thể liên kết và hiện đại hóa mới có thể tồn tại, phát triển bền vững được", Phó tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa nói với VnExpress.

Phan Anh