Đất trên giấy
Các Website khác - 10/04/2006

Đất trên giấy
Đặng Bá Tiến

Thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ về cấp đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, cuối năm 2005 Lâm trường Krông Ana (Đắc Lắc) đã làm hồ sơ bàn giao cho Uỷ ban Nhân dân huyện Krông Ana 1.100ha đất lâm nghiệp để chia cho đồng bào.

Thế nhưng khi Ban 134 của huyện tiến hành kiểm tra thực tế thì gần như toàn bộ số đất nói trên đã bị dân đang sinh sống trên địa bàn xâm canh trồng đào lộn hột, càphê và nhiều loại cây hoa màu khác. Để thu hồi được ngần ấy đất từ cả ngàn hộ dân xâm canh là điều không dễ dàng chút nào. Như vậy là gần 1.100ha đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Lâm trường Krông Ana lâu nay chỉ còn tồn tại trên giấy.

Theo một cán bộ lãnh đạo của ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn Đắc Lắc thì tình trạng trên không phải là cá biệt, mà xảy ra ở tất cả 47 lâm trường và ban quản lý rừng ở tỉnh Đắc Lắc. Nơi nhiều thì bị xâm canh cả ngàn hécta, nơi ít cũng vài ba trăm hécta.

Thực trạng trên thể hiện: Trước tiên là sự quản lý yếu kém của các lâm trường, các ban quản lý rừng (có thể là do lực lượng quá mỏng, mỗi lâm trường hiện chỉ có 10 - 15 cán bộ nhân viên, nhưng phải quản lý trên 20.000ha rừng); có thể là do lãnh đạo các lâm trường không biết cách xoay xở tận dụng vốn đất hiện có để liên kết làm ăn (ở một số ít lâm trường đã biết hợp tác với các công ty sản xuất nguyên liệu giấy để trồng rừng kinh doanh); di dân tự do đang có chiều hướng tăng cao...

Đây chính là một bài toán khó của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay, buộc các tỉnh vừa phải làm tốt việc tổ chức, sắp xếp lại các lâm trường, các ban quản lý rừng, đồng thời phải giải quyết tốt vấn đề dân di cư tự do.