Dệt may cuống cuồng tìm thị trường mới
Các Website khác - 21/01/2009

Dự báo đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may, da giày năm nay sẽ giảm 30-50% so với 2008. Doanh nghiệp đang bế tắc khi khách hàng hầu như không cam kết hợp đồng dài hạn, buộc phải tìm thị trường mới.
Tại buổi trực tuyến về dệt may của Bộ Công thương hôm 20/1, ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang chủ động tìm kiếm thị trường thời khó khăn. Nhiều công ty không chờ kinh phí của nhà nước đã phối hợp với nhau lập các đoàn xúc tiến thương mại.

Theo ông Ân, hiện có một đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường Pháp, Nhật Bản. Sau Tết nguyên đán sẽ có một đoàn nữa đến Dubai. "Sắp tới đây, Tổng công ty dệt may Gia Định sẽ tiếp một đoàn công ty dệt may và một số ngành khác của Nga. Đây là cơ hội để dệt may Việt Nam đẩy mạnh mở rộng thị trường", Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan Việt Nam Phạm Xuân Hồng cho hay.

Thị trường Nga đang được các doanh nghiệp dệt may trong nước hướng đến. Theo các hiệp hội, nếu được Bộ Công thương hỗ trợ việc xúc tiến thì Nga sẽ là một thị trường tiềm năng để dệt may Việt Nam khai thác.

Theo ông Hồng, xuất khẩu Mỹ, EU sụt giảm làm các doanh nghiệp chới với nhưng trước mắt đã nổi lên một số thị trường mới đầy tiềm năng. Trước đây, việc xuất khẩu sang Nga gặp nhiều trở ngại do vấn đề thanh toán chưa được thuận lợi. Tuy nhiên, vừa qua, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga chính thức đi vào hoạt động đã gỡ khó rất nhiều cho hoạt động thương mại giữa hai bên. Ông đề nghị: "Các doanh nghiệp nên đẩy mạnh tiến đến cơ hội giao thương này để bù đắp cho những thiếu hụt của các thị trường xuất khẩu Mỹ và EU đang sụt giảm".

Ngành da giày Việt Nam đang hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu thị trường Nga và Brazil trong năm 2009. Ảnh: T.A

Trong năm 2008, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành dệt may VN đã phải rút vốn. Khó khăn trở nên đặc biệt nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực và khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, theo các hiệp hội ngành, nếu biết nắm bắt cơ hội và phát triển đúng hướng thì các công ty vẫn có thể vượt qua được khó khăn.

Chủ tịch hội Dệt may Bình Dương nhìn nhận cái khó của doanh nghiệp ngành hiện nay là giá cả vì khách hàng liên tục đòi giảm giá thành, vì vậy phải làm thế nào để có mức giá tốt nhằm giữ chân khách hàng. Để chia sẻ khó khăn, thời gian qua, thành viên hai Hiệp hội dệt may Bình Dương và Hiệp hội dệt may thêu đan TP HCM đã liên kết nhau thu mua nguyên liệu nhằm giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành cho sản phẩm.

Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP HCM Diệp Thành Kiệt cũng cho rằng, mở rộng chuỗi liên kết sang các nước trong khu vực và các nhà sản xuất ở Châu Á đối với da giày là cần thiết. Vừa qua, doanh nghiệp da giày thua lỗ phải đóng cửa chủ yếu là các liên doanh với nước ngoài. Nhiều người cho rằng nguyên nhân do các đơn vị này hoạt động đơn độc, không có sự tương hỗ của đồng nghiệp ngành. Điều này rất nguy hiểm trong tình hình khó khăn xuất khẩu đã lan rộng.

Ông Kiệt cho biết, ngành da giày đang hướng đến hai thị trường tiềm năng là Nga và Brazil, trong đó Brazil hấp dẫn với phân khúc hàng cấp trung. Để hoạt động hiệu quả hơn trong tình hình kinh tế khó khăn, ông Kiệt cho rằng doanh nghiệp nên tinh gọn hơn nữa bộ máy hoạt động để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Trong năm 2009, đại diện ngành dệt may, da giày cho rằng cố gắng đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2008 đã là may, khả năng tăng trưởng 13% như Bộ Công thương đề ra rất khó đạt được. Mục tiêu xuất khẩu Bộ Công thương đặt ra đối với ngành dệt may 2009 là 9,2 đến 9,5 tỷ USD.

Theo VnExpress