Các chủ thẻ Vietcombank Connect 24 và Vietcombank SG 24, nếu rút tiền tại máy ATM của nhà băng khác ngoài hệ thống Vietcombank phải chịu mức phí 3.300 đồng cho mỗi lượt giao dịch.
Quy định này dành cho khách Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV), được hai nhà băng này áp dụng từ ngày 15/1. Nhưng chỉ đến khi một số người rút tiền trên ATM kiểm tra biên lai rút tiền mới biết.
Ngoài ra, khi khách hàng thực hiện các giao dịch như truy vấn tài khoản, in biên lai đều bị trừ 1.650 đồng đối với mỗi lần thực hiện. Mỗi lần rút tiền khách hàng thường hay in biên lai để tiện kiểm soát tài khoản. Như vậy, mỗi lần giao dịch phải mất hơn 5.000 đồng. Số tiền rút mỗi lượt được ngân hàng quy định tối đa chỉ 2 triệu đồng. Vì vậy, những khách hàng có nhu cầu rút số tiền lớn phải thực hiện giao dịch nhiều lần và cũng chịu mất phí nhiều lần.
Theo ông Lê Đào Nguyên, Phó Tổng giám đốc BIDV, đây là khoản phí ngân hàng thu để trả cho đơn vị chịu trách nhiệm xử lý giao dịch hệ thống Banknetvn và Smartlink. Thời gian vừa qua do chưa áp dụng thu phí ATM nên mỗi tháng BIDV phải trả hơn một tỷ đồng cho hệ thống mạng. "Nếu cứ áp dụng miễn phí, các ngân hàng phát hành thẻ sẽ không cần phải đầu tư chi phí mua máy ATM, thuê địa điểm đặt máy, bảo trì hệ thống vì khách hàng chỉ việc đến bất kỳ ATM nào cũng có thể giao dịch được", ông Nguyên nói thêm.
Sốt ruột chờ đợi tại các máy ATM Vietcombank trong chiều 25 tháng Chạp. Ảnh: T.A |
Quy định này khiến chiều ngày 20/1, hàng đoàn người xếp hàng rồng rắn ở nhiều điểm ATM trong hệ thống Vietcombank chờ rút để né phí nếu giao dịch tại nhà băng khác. Chiều 25 tháng Chạp, tại máy ATM Vietcombank Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP HCM, hàng chục khách hàng đang suốt ruột chờ giao dịch. Trong khi cách đó không xa, máy ATM Techcombank trên đường Mạc Đĩnh Chi lại không hề có người sử dụng vì sợ bị tính phí.
Một khách hàng là nhân viên của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ (8 Mạc Đĩnh Chi, quận 1) cho biết cơ quan chị trả lương nhân viên qua thẻ ATM Vietcombank. "Trước đây, mỗi khi cần tiền mọi người đều ra máy ATM của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đặt ngay trước cổng Đài khí tượng để rút. Tuy nhiên, từ đầu tháng đến giờ, hầu như không có ai giao dịch tại máy này", khách hàng này cho hay.
Chị Thư, một nhân viên đang làm việc tại tòa nhà Star Building (33 Mạc Đĩnh Chi, quận 1) cũng cho hay để tránh bị thu phí, những người trong công ty chị cũng "né" giao dịch tại các máy ATM không cùng hệ thống Vietcombank.
Trong mấy ngày gần đây lượng khách rút tiền tại các máy ATM bắt đầu nóng lên. Những ngày giáp tết, mật độ giao dịch ATM tại các máy đều tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Trong tình hình đó, cộng với tình trạng nhiều chủ thẻ tập trung rút tiền tại máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ, đặc biệt là của Vietcombank trong những lúc cao điểm đã dẫn đến tình trạng khách hàng muốn rút được tiền phải nối đuôi nhau chờ đợi.
Chính điều này đã gây nên tình trạng nghẽn mạch tại một số khu vực. Theo ghi nhận của VnExpress, 17h chiều hôm qua, một số máy ATM trên đường 3/2, Nguyễn Thị Minh Khai liên tục chập chờn khiến nhiều khách hàng không thực hiện giao dịch được, phải đi tìm cácmáy khác. Trong buổi chiều hầu như các máy ATM của nhà băng này đều đông người giao dịch.
Hiện hệ thống chuyển mạch Banknetvn và Smartlink có 24 ngân hàng thành viên, hệ thống VNBC có khoảng 10 thành viên. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, đến nay, các nhà băng trên địa bàn đã phát hành 4,2 triệu thẻ, trang bị 2.257 máy ATM. Có khoảng 146.000 cán bộ công nhân viên nhận lương qua thẻ.
Theo VnExpress
▪ Hoa lạ đắt hàng, đào mai chờ phiên cuối (21/01/2009)
▪ 500 khách tàu Hòa Bình cập cảng Đà Nẵng (21/01/2009)
▪ Nữ sinh trông nhà thuê dịp Tết (21/01/2009)
▪ Thị trường tết ở ĐBSCL vào "giờ G": Sức mua nhích lên từ từ (21/01/2009)
▪ Phiên chợ cuối năm ở làng công nhân (21/01/2009)
▪ Dệt may cuống cuồng tìm thị trường mới (21/01/2009)
▪ Vn-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp (21/01/2009)
▪ Giá tiêu dùng tháng 1 TP HCM tăng nhẹ (21/01/2009)
▪ Hàng nội lên ngôi (21/01/2009)
▪ Rồng rắn trước ATM (21/01/2009)