Doanh nghiệp chung tay
http://tuoitre.vn/ - 26/07/2013
Ngoài cung cấp cơ hội việc làm cho 1.200 đối tượng nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao, dự án HIV nơi làm việc còn giúp dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 90.000 nhân viên thuộc 118 doanh nghiệp trải dài khắp nước.

Ước tính 80% trong số 206.000 người sống chung với HIV ở VN (theo số liệu của Cục Phòng chống HIV/AIDS cuối năm 2012) đang trong độ tuổi lao động từ 20-39 tuổi. Do vậy, nhiều doanh nghiệp xem phòng chống HIV tại nơi làm việc là cực kỳ cần thiết bởi HIV không những ảnh hưởng trực tiếp đến độ tuổi lao động mà còn vì lực lượng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự lây truyền của đại dịch này.

 

Nhiều lợi ích

 

Dự án dự phòng HIV/AIDS nơi làm việc thuộc khuôn khổ chương trình cứu trợ khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS (PEPFFAR) và do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với tổng ngân sách 3 triệu USD. Dự án được Tổ chức quốc tế Chemonics phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS/Bộ Y tế, Ngân hàng Chính sách xã hội, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội/Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam và một số đối tác khác thực hiện tại tám tỉnh, thành: Điện Biên, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, TP.HCM, Cần Thơ và An Giang.

Trong năm năm tham gia dự án, các doanh nghiệp đã đóng góp tổng số tiền lên đến 765.000 USD để tiến hành các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp của mình. Sau khi dự án kết thúc, 72% số doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì chương trình dự phòng HIV nơi làm việc với kinh phí hoàn toàn của doanh nghiệp.

Công ty dệt may Đại Việt, Hợp tác xã vận tải số 9 và Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh TP.HCM là ba trong số 16 doanh nghiệp được vinh danh nhờ áp dụng hiệu quả mô hình phòng chống HIV/AIDS nơi làm việc.

 

Ông Nguyễn Đức Bình, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ & vừa thuộc VCCI, cho biết trung tâm của anh tham gia dự án thông qua hình thức tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho doanh nghiệp, để sau đó họ tự thân vận động tuyên truyền lại cho cán bộ công nhân viên của mình. Ngoài ra trung tâm còn tổ chức các lớp huấn luyện mời doanh nghiệp đến chia sẻ các thông tin về phòng chống HIV/AIDS cũng như phát bao cao su và tài liệu tuyên truyền miễn phí.

 

Trong số 12 doanh nghiệp đã tham gia huấn luyện, VCCI đào tạo được 60 học viên đủ tiêu chuẩn để thành tuyên truyền viên giỏi. Sau khi dự án kết thúc, VCCI vẫn duy trì liên lạc với các doanh nghiệp này, sẵn sàng hỗ trợ và cung cấp các tài liệu phòng chống HIV/AIDS khi họ cần.

 

Ngoài ra doanh nghiệp tham gia dự án còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Theo nghị định số 122/2011/NĐ-CP của Chính phủ, các khoản chi thực tế cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS nơi làm việc của doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm: chi phí đào tạo cán bộ phòng chống HIV/AIDS của doanh nghiệp, chi phí tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp, phí thực hiện tư vấn, khám và xét nghiệm HIV, chi phí hỗ trợ người nhiễm HIV là người lao động của cơ sở kinh doanh được trừ ra khi xác định thu nhập chịu thuế.

 

Một người tham gia điều hành dự án năm năm qua cho biết thành công lớn nhất của dự án chính là nhìn thấy hơn 1.200 mảnh đời tìm được công việc phù hợp với khả năng và sở thích của họ.

 

http://hiv.com.vn/Uploads/files/ImageView_aspx.jpeg
Tình nguyện viên tư vấn kỹ năng xin việc cho một thanh niên thuộc dự án - Ảnh: Phạm Hoài Thanh

 

Nhìn thoáng hơn về người có H

 

Bà Diệp Thị Hằng Nga, phó giám đốc Công ty cổ phần may Đại Việt ở quận Tân Phú, cho biết nhờ các dự án phòng chống HIV/AIDS nơi làm việc như Smart Work và gần đây nhất là dự án dự phòng HIV nơi làm việc của USAID mà hầu hết nhân viên công ty không còn sợ sệt khi tiếp xúc với nhiều lao động sau cai nghiện. “Có thời điểm công nhân rất hoang mang vì họ nghĩ những người sau cai giống như một cái gì đó dễ lây nhiễm và là một đối tượng khó gần gũi, do đó họ có kỳ thị đối với những đối tượng này”, bà Nga nhớ lại thời điểm công ty tuyển dụng nhiều lao động sau cai vào năm 2006 và 2007.

 

Bên cạnh tổ chức truyền thông trực tiếp cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong công ty về chính sách HIV của doanh nghiệp, lồng ghép vào những lần đào tạo nhân viên mới, công ty còn tổ chức truyền thông nhóm mỗi tháng một lần, mỗi nhóm 30-50 người với thời lượng 60 phút trong giờ làm việc. Người lao động được hưởng nguyên lương khi tham gia các buổi này.

 

Trong khi đó bà Lê Thị Thu Nga, phó phòng tổ chức nhân sự kiêm phó chủ tịch công đoàn HTX vận tải số 9, nói sau khi tham gia các lớp tập huấn về phòng chống HIV/AIDS nơi làm việc thì các nhân viên công ty có một cái nhìn rất thoáng về những người bị nhiễm HIV vì họ biết rõ đâu là giới hạn lây nhiễm của căn bệnh này. “Nhiều nhân viên bất ngờ khi nghe tôi phổ biến lại những kiến thức phòng chống HIV/AIDS mà họ chưa hề biết trước đó. Điều tôi hơi tiếc là doanh nghiệp chúng tôi chưa có cơ hội phổ biến cho những tài xế chạy xe đường dài, những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao” - bà Nga nhìn nhận.

 

Bà Phạm Hoài Giang, giám đốc dự án HIV nơi làm việc của USAID, cho biết dự án đã góp phần làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội và các doanh nghiệp đối với nhóm đối tượng dự án. Dù chỉ đảm nhận vị trí giám đốc dự án trong 18 tháng cuối cùng, bà Giang chia sẻ bà có rất nhiều sự đồng cảm với nhóm người này do từng tham gia một số dự án về HIV và nhóm người yếu thế khi còn làm việc ở Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

 

Trong dự án HIV nơi làm việc, chúng tôi tập trung tiếp cận nhiều hơn các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao bao gồm công nhân làm việc trong các ngành xây dựng, vận tải, khai khoáng và các cơ sở dịch vụ giải trí. Nhờ đó chúng tôi cung cấp cơ hội và dịch vụ kinh tế để cải thiện đời sống của các đối tượng thụ hưởng hiệu quả hơn. Hoạt động của dự án gồm có cung cấp việc làm, vốn vay nhỏ, và đào tạo nghề cho những người sống chung hoặc ảnh hưởng bởi HIV nhằm giúp họ chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn.

Dự án HIV nơi làm việc sẽ kết thúc vào ngày 30-9- 2013. Các hoạt động chính của dự án đã được chuyển giao cho các đối tác. Quan trọng hơn, Chính phủ VN đã thông qua mô hình cho vay vốn vi mô và đang soạn thảo một chính sách mới để cung cấp vốn vay cho những nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao.

JOAKIM PARKER, giám đốc USAID tại VN

 

QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH