Sau 4 ngày thăm và làm việc tại Hà Nội và TP HCM, đoàn doanh nghiệp của Mỹ cho biết đã truyền tải được những thông điệp mà họ quan tâm tới các nhà lãnh đạo VN. Chuyến đi được đánh giá là thành công và mở ra nhiều cơ hội cho cả hai bên.
Tại cuộc họp với báo giới trưa nay, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN Matthew Daley cho biết, các công ty trong đoàn rất hài lòng với chuyến đi lần này tới VN. Mục đích của chuyến đi không phải là ký kết các hợp đồng cụ thể, các doanh nghiệp chủ yếu đề xuất những vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh một số chính sách để VN có thể nhanh chóng kết thúc đàm phán song phương, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn hơn.
Theo ông Matthew, việc thay đổi một số chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hay phân phối sẽ thúc đẩy kinh tế VN phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài - trong đó có doanh nghiệp Mỹ - đang làm ăn tại VN.
"Các công ty trong đoàn chúng tôi đã được khuyến khích rất nhiều sau chuyến đi này. Chúng tôi hy vọng các đề xuất mà chúng tôi nêu ra sẽ được xem xét một cách nghiêm túc. Trong vấn đề gia nhập WTO của VN, chúng tôi hy vọng hai bên có thể kết thúc đàm phán song phương càng sớm càng tốt. Năm 2006 là một năm có ý nghĩa lớn đối với VN bởi VN sẽ tổ chức Đại hội Đảng X cũng như tổ chức Hội nghị cấp cao APEC ở Hà Nội. Chúng tôi hy vọng rằng, đến tháng 11, VN sẽ tổ chức APEC với tư cách là một thành viên đầy đủ của cộng đồng thương mại toàn cầu", ông Matthew nói thêm.
![]() |
Các doanh nghiệp Mỹ tại cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10/3. Ảnh: K.G. |
Theo ông Matthew, trong hầu hết các cuộc gặp của đoàn doanh nghiệp với lãnh đạo các bộ, thông điệp mà các nhà lãnh đạo của VN muốn gửi tới doanh nghiệp Mỹ là VN sẽ nỗ lực hết sức để gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất.
Theo bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, việc VN gia nhập WTO và được Quốc hội Mỹ trao cho quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) là bước cuối cùng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ kinh tế của hai nước. Theo bà, trong suốt hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã luôn ủng hộ tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước bởi điều đó sẽ đem lại thế "win - win" (cùng thắng) của cả hai bên.
Bà Foote cũng đánh giá cao những thay đổi trong các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của VN. Tuy nhiên bà cho rằng, so với một số nước trong khu vực, khả năng thu hút đầu tư của VN vẫn chưa phải là nổi trội và còn phải cải tiến hơn nữa, đặc biệt là trong vấn đề giấy phép cũng như các thủ tục hành chính.
Trong chuyến đi lần này, các doanh nghiệp Mỹ cũng nhìn nhận tích cực trước việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống luật pháp của VN, cụ thể là ban hành Luật sở hữu trí tuệ. Các công ty như Time Winner (hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực giải trí, truyền hình...) hay GlaxoSmithKline (sản xuất dược phẩm) cho biết họ chỉ thực sự yên tâm đầu tư vào VN khi chắc chắn rằng sản phẩm, hay những phát minh sáng chế của mình không bị đánh cắp. Theo bà Foote, điều mà doanh nghiệp Mỹ quan tâm sau đây là việc thực thi những điều luật đó như thế nào. "Kinh nghiệm cho thấy, luật là quan trọng nhưng việc thực hiện được hay không còn quan trọng hơn", bà Foote nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm VN lần này, hầu hết các doanh nghiệp của Mỹ đều cho biết muốn mở rộng và đầu tư lớn vào VN. Theo ông Hugh Stephens, đại diện của công ty Time Winner, VN là một thị trường có truyền thống văn hóa lâu đời, Time đã nhìn thấy rất nhiều cơ hội phát triển công nghiệp giải trí ở VN. Ông cho biết công ty hy vọng có thể đầu tư vào cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng những rạp chiếu bóng hiện đại. Trên cơ sở đó để người dân VN có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm nghe nhìn của họ. Ngoài ra, Time Winner cũng muốn có thể hợp tác với VN xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc phát triển ngành công nghiệp vô tuyến truyền hình, hay sản xuất phim. Trong khi đó, đại diện của công ty chuyển phát nhanh hàng đầu của Mỹ là FedEx và United Technology lại muốn VN cho phép các công ty Mỹ được đầu tư ngay 100%. Đại diện của FedEx, ông John lunley - Holmes cho biết, các dịch vụ chuyển phát nhanh không những đóng vai trò quan trọng mà còn hỗ trợ các ngành khác trong nền kinh tế. Đồng thời Đại diện tập đoàn Cargil cũng cho biết, công ty đã nhập khẩu sản phẩm từ VN như dừa, phân bón, thức ăn gia súc, cùng một số sản phẩm khác. Tới nay, công ty đã có 5 nhà máy sản xuất thức ăn cho gia súc, cá tại VN, nhưng công vẫn muốn được cấp phép mở rộng hoạt động để phát triển thêm. |
Hà Vy
▪ Miễn phí cho xe máy trên các tuyến quốc lộ bị ùn tắc (11/03/2006)
▪ Xuất khẩu rau quả giảm trên 42% (11/03/2006)
▪ Thuỷ sản và nông nghiệp phối hợp... nuôi cá song (11/03/2006)
▪ TPHCM: Giá đo vẽ nhà đất tăng mạnh (11/03/2006)
▪ Khoá học về quảng cáo tại Thames Business School (11/03/2006)
▪ Quần áo trẻ em tăng giá 5% (11/03/2006)
▪ Vận động sớm kết thúc đàm phán vào WTO (11/03/2006)
▪ Cổ phần hoá ngân hàng quốc doanh mất 18 tháng (11/03/2006)
▪ Phát hiện thêm một mỏ dầu khí trữ lượng lớn (11/03/2006)
▪ Hàng không chậm, hủy chuyến do sương mù (11/03/2006)