Dù đang bước vào mùa cao điểm tiêu thụ vật liệu xây dựng, nhưng thị trường gạch ốp lát lẫn sứ vệ sinh trong nước vẫn trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng vì hàng tồn kho còn quá nhiều.
Đã gần trưa, cửa hàng bán sỉ vật liệu xây dựng của ông Long trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TP HCM) vẫn vắng vẻ. “Bán chậm lắm. Giờ này năm ngoái hàng bán lấy không kịp chứ không phải ngồi không vậy đâu” - ông Long thở dài. Chỉ tay vào loại gạch ceramic 30x30 của Công ty gạch men TT, ông cho biết công ty vừa “rót” hàng xuống với mức giá 46.500-52.500 đồng/m2 cho ba loại gạch, tăng khoảng 2.000 đồng/m2 so với tháng trước, nhưng “hàng bán đã chậm rồi, giờ còn tăng giá không biết sao bán đây?”.
![]() |
Thừa gần 50 triệu m2 gạch. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Cửa hàng của ông Tiệp nằm kế bên cũng ảm đạm tương tự. “Mấy tháng trước tệ lắm cũng bán được khoảng 12.000m2 mỗi tháng, nhưng gần tháng rưỡi nay có 7.000 m2 mà bán cũng không nổi” - ông Tiệp chặc lưỡi.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga cho rằng tình hình cung vượt cầu ở một số mặt hàng vật liệu xây dựng, đặc biệt là gạch ốp lát, đã được cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng không được các doanh nghiệp lưu tâm đúng mức, vẫn tiếp tục đầu tư tràn lan. Theo các chuyên gia trong ngành, nhất thiết ngành vật liệu xây dựng cần xây dựng một chiến lược xuất khẩu dài hạn, hoàn chỉnh. Đặc biệt, phải xác định được thị trường trọng điểm và các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn để có sự đầu tư hợp lý trong công tác tiếp thị, marketing sản phẩm nếu muốn thành công ở lĩnh vực xuất khẩu vật liệu xây dựng trong thời gian tới. |
Cách đây ba năm, ngành công nghiệp sản xuất gạch ốp lát (men ceramic, hoặc đá granite) thật sự hái ra tiền do nhu cầu xây dựng tăng mạnh. Thấy “ngon ăn”, nhiều doanh nghiệp đổ tiền tỷ đầu tư. Nhưng thực tế bây giờ trái ngược hoàn toàn. Một thành viên Hiệp hội Gốm sứ - xây dựng VN cho biết, nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc kêu hàng tồn nằm kho chất đống, bán không được.
Theo thống kê chưa đầy đủ của hiệp hội này, tính đến nay sản lượng gạch ốp lát của cả nước đã lên đến 160 triệu m2, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường chỉ khoảng 100-115 triệu m2, thừa gần 50 triệu m2 các loại. Mặt hàng sứ vệ sinh cũng vậy, nhu cầu tiêu thụ của thị trường chỉ khoảng 3 triệu bộ, nhưng năng lực sản xuất của cả nước đã vượt 4,8 triệu bộ.
"Một phần do thị trường địa ốc đóng băng. Nhưng một phần cũng do chính các doanh nghiệp... tự hại nhau khi trong chiến lược sản phẩm hầu như ai cũng tập trung vào sản xuất các loại gạch dễ làm, đại trà, dẫn đến trên mặt bằng chung không có sản phẩm đặc trưng, độc đáo”, ông Nguyễn Trường Xuân, phụ trách thị trường chi nhánh Công ty gạch Cosevco Đà Nẵng, nhận xét. Kích thước gạch ốp lát hiện nay vẫn phổ biến ở dạng 30x30cm, hoặc 40x40cm, mẫu mã nào mới ra thì hôm sau đã có doanh nghiệp khác làm na ná vậy. Theo ông Xuân, điều này làm mất giá trị sản phẩm một cách nhanh chóng.
Nhu cầu sử dụng các loại kích thước lớn, cỡ 1,2x1,2m trở lên ngày một tăng mạnh, nhưng số đơn vị có khả năng sản xuất được loại sản phẩm này rất ít vì ngay từ định hướng đầu tư ban đầu, không nhiều doanh nghiệp chọn con đường sản xuất các sản phẩm “chông gai”, “kén” khách. Hậu quả để lại là gần như mỗi địa phương đều có 1-2 nhà máy sản xuất gạch ốp lát kích thước phổ thông, trong khi với dòng sản phẩm kích thước lớn, công suất cộng gộp chưa đến 2 triệu m2 trong tổng công suất 160 triệu m2/năm.
Việc tìm đường xuất khẩu gần như là giải pháp mà các doanh nghiệp đều nhắm đến nhằm giải quyết tình trạng bão hòa ở “sân nhà”. Khởi động từ giữa năm ngoái, nhưng đến nay số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu được vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu vẫn là thị trường trong khu vực Đông Nam Á, hoặc một số nước Nam Á như Bangladesh, Sri Lanka.
Có doanh nghiệp đã xuất được các lô hàng chào mẫu thử nghiệm sang Mỹ, Australia nhưng chỉ là những lô hàng mang tính chất thăm dò, chưa thể hiện được dấu hiệu đặt hàng dài hạn chắc chắn. Theo ông Bùi Châu Dương - cán bộ xuất khẩu Công ty gạch men Thanh Thanh, kinh nghiệm tiếp thị xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước còn yếu, chủng loại sản phẩm còn đơn điệu, lại không có thương hiệu riêng nên xuất khẩu hiện nay ở các doanh nghiệp vẫn chỉ mang tính chất đối phó là chính.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Gánh nặng cho ngân sách ngày một... nặng (10/11/2005)
▪ TPHCM: Hội nghị nghị thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài vào VN (10/11/2005)
▪ Cá mú và cá hồng giống xuất hiện dày đặc ở đầm Ô Loan (10/11/2005)
▪ FPT mở Cty phần mềm tại Nhật Bản (10/11/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 10.11 (10/11/2005)
▪ Khánh thành trạm cổng VSAT-IP/IPSTAR quốc tế đầu tiên ở VN (10/11/2005)
▪ Giá ôtô nhập khẩu sẽ giảm 20-30% (10/11/2005)
▪ Giảm giá xoá cạnh tranh? (10/11/2005)
▪ Săn giám đốc các ngân hàng (10/11/2005)
▪ 7 ngân hàng Việt Nam tham gia phát hành thẻ Visa Debit (09/11/2005)