Nhiều người tiêu dùng muốn tìm mua gạo ngon, đặc sản. Thế nhưng các doanh nghiệp lại kêu kinh doanh gạo có thương hiệu rất khó. Ngoài lý do phải đảm bảo chất lượng, kinh doanh gạo tại thị trường nội địa còn phải chịu 5% thuế giá trị gia tăng (VAT).
![]() |
Tìm mua gạo đóng gói có thương hiệu tại siêu thị Co-op Mart Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: Tuổi Trẻ |
Đáp ứng nhu cầu thích ăn gạo ngon, có chất lượng và tên tuổi đàng hoàng, nhiều thương hiệu gạo đã ra đời và người tiêu dùng có thể mua ở các siêu thị hoặc qua điện thoại giao hàng tận nhà.
Hiện, người tiêu dùng đã biết đến những cái tên mới như Hồng Hạc, 9 rồng vàng (Tigifood); Nàng thơm Chợ Đào, Hương Lài, Tài Nguyên Chợ Đào (Mecofood, Long An); Trạng Nguyên (Công ty lương thực Sông Hậu)...
Ngoài bao bì khá bắt mắt và tiện ích (gạo được cho vào bịch có trọng lượng 2 kg, 5 kg, 10 kg...), các đơn vị kinh doanh gạo còn hướng dẫn cách nấu cho mỗi loại gạo, hạn sử dụng... “Phần lớn gạo có thương hiệu là gạo đặc sản, gạo chất lượng cao, chủ yếu là gạo trong nước, gạo nhập rất ít...”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), nói.
“Chúng tôi đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng gạo đóng bao và có thương hiệu bán ra trong năm nay, chiến lược tiếp thị và kinh doanh chủ yếu vẫn là tập trung vào những thương hiệu đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng...", ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Trượng, sau hai năm xây dựng thương hiệu gạo, trong năm 2005, Công ty Lương thực Sông Hậu chỉ bán được 250 tấn. Một số doanh nghiệp như Tigifood, Mecofood... cũng cho biết sản lượng gạo có đóng gói bao bì, có thương hiệu nhãn mác chiếm số lượng không nhiều, khoảng 800-1.000 tấn/năm.
Vướng thuế
TP HCM với 8 triệu dân, nhu cầu gạo thấp nhất cũng lên tới 50.000-60.000 tấn/tháng (bình quân 7kg/người/tháng) là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm gạo. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng muốn đầu tư khai thác thị trường này. |
Theo ông Võ Thế Hùng, Phó giám đốc Công ty Mecofood - một trong hai “đại gia” kinh doanh gạo cao cấp tại thị trường nội địa, xây dựng một thương hiệu gạo cần thời gian và vốn. Có thể doanh nghiệp phải chịu lỗ trong những năm đầu để thương hiệu làm quen với người tiêu dùng.
Kinh doanh gạo có thương hiệu cũng phải cầu kỳ hơn, chẳng hạn cứ sau 3 tháng đưa gạo vào siêu thị, doanh nghiệp phải thu hồi số gạo chưa bán được và thay gạo mới để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người mua. Với thương hiệu mới, sức mua chậm, doanh nghiệp bị chôn vốn, chưa kể gạo thu hồi về sẽ bị giảm chất lượng, giá giảm.
Theo ông Trương Thanh Phong, một thương hiệu gạo đứng được trước hết phải là gạo chất lượng cao với đặc trưng riêng, trong khi loại gạo này lại không nhiều. Như gạo nàng thơm Chợ Đào chính hiệu (hạt cơm thơm và mềm) phải được sản xuất tại vùng lúa Mỹ Lệ (Long An).
Trong khi đó, vùng lúa này chỉ có 400 ha và trồng một vụ, nếu năng suất đạt khoảng 5 tấn/ha, tổng sản lượng lúa nàng thơm Chợ Đào cũng chỉ khoảng 2.000 tấn, tương đương 1.000 tấn gạo. Tương tự, giống lúa Hương lài Long An chỉ trồng được ở những vùng ven biển tại Long An, nhưng một phần diện tích này đã được chuyển sang... nuôi tôm, sản lượng lúa cũng chẳng có bao nhiêu. Đây cũng là lý do loại gạo cao cấp có thương hiệu hiện chỉ chiếm 5-10% thị phần, các loại gạo trung bình không có thương hiệu chiếm tỷ lệ áp đảo.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp kinh doanh gạo tại thị trường nội địa phải chịu 5% thuế VAT. Bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, cho rằng với khoản thuế này, các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng không thể cạnh tranh nổi với các thương nhân hay đại lý được nộp thuế khoán. Sau nhiều năm đầu tư làm thương hiệu, Nông trường Sông Hậu đã có sản phẩm gạo Sohafarm được người tiêu dùng ưa chuộng. Thế nhưng sản phẩm này chỉ được bán vào những dịp lễ tết với số lượng rất hạn chế.
Theo lời bà Ba Sương, Sohafarm không ra được thị trường chủ yếu là do các đầu mối tiêu thụ đặt yêu cầu... không xuất hóa đơn VAT! Đã có một doanh nghiệp phía Bắc đến đặt vấn đề làm đại lý độc quyền tiêu thụ Sohafarm với số lượng 10.000 tấn/năm nhưng với điều kiện Nông trường Sông Hậu chỉ xuất hóa đơn VAT cho khoảng 2.000 tấn.
“Nếu xuất hóa đơn VAT 5%, giá gạo bán ra cho người tiêu dùng tăng thêm 400 đồng/kg (loại gạo 8.000 đồng/kg), đại lý lấy hàng của Nông trường Sông Hậu làm sao cạnh tranh với các loại gạo của thương nhân không chịu thuế hoặc nộp thuế khoán. Nông trường không thể bán hàng mà không xuất hóa đơn”, bà Ba Sương ngao ngán nói.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Khai trương Nhà máy Fujikin Việt Nam (21/02/2006)
▪ Ký hợp đồng hai gói thầu Nhà máy lọc dầu Dung Quất (21/02/2006)
▪ Phát huy nội lực, nhưng phải thận trọng (21/02/2006)
▪ Việt Nam - Lào: Khai trương cửa khẩu chính Nam Giang (21/02/2006)
▪ Khởi động dự án "Hỗ trợ chương trình khu vực doanh nghiệp" (21/02/2006)
▪ Ngồi trên... lửa (21/02/2006)
▪ Vẫn "đánh đu" với may rủi! (21/02/2006)
▪ Giá mía lên cao, nhiều hợp đồng bao tiêu bị phá vỡ (21/02/2006)
▪ Doanh nghiệp Bỉ muốn đầu tư vào nông nghiệp VN (21/02/2006)
▪ Chiều nay tọa đàm trực tuyến về quản lý nhập khẩu xe cũ (21/02/2006)