Giá hàng điện tử rối như tơ vò
Các Website khác - 31/12/2005

Những thông tin hàng điện tử có thể giảm giá sau ngày 1/1/2006 khiến người tiêu dùng nén lại nhu cầu mua sắm và chờ đợi. Việc các trung tâm điện máy đang khuyến mãi cấp tập chỉ càng làm tăng thêm sự hồi hộp mong chờ. Nhà sản xuất tuyên bố giá cả ít thay đổi, giới bán lẻ lại chờ đợi diễn biến ngược lại hoàn toàn.

Theo giới kinh doanh, dư luận đang nhầm tưởng rằng nhà sản xuất đang tìm mọi cách đẩy hàng tồn điện tử ra thị trường để đón AFTA, qua những chương trình khuyến mãi hàng điện tử rầm rộ. Trong khi đó, thực chất là do các trung tâm kinh doanh kim khí điện máy đã bước vào một cuộc chiến khuyến mãi rầm rộ để lôi kéo khách hàng. Sôi nổi nhất là ở thị trường TP HCM.

Đại diện của nhiều trung tâm điện máy thừa nhận, họ đang nhìn nhau để tung ra những chương trình khuyến mãi ngày càng mạnh hơn nhằm thu hút khách. "Nếu chỉ tính riêng khu vực nội thành TP HCM đã có hơn 10 trung tâm kinh doanh điện máy, chưa kể các cửa hàng nhỏ", Trưởng phòng makerting Trung tâm điện máy Lộc Lê, Đinh Văn Lăng, cho biết để diễn tả sự cạnh tranh kinh doanh hiện nay.

Các trung tâm mua sắm điện máy tại TP HCM bước vào cuộc chạy đua khuyến mãi hàng điện tử cuối năm. Ảnh: P.A.

Nếu Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim tung ra chương trình khuyến mãi bán hàng có quà tặng cho khách; thì để kỷ niệm 1 năm thành lập, Trung tâm điện máy Ideas đưa ra 2 chương trình tặng quà cho khách mua hàng. Khi Siêu thị điện máy Chợ Lớn giảm giá 25% trên tất cả sản phẩm, thì Trung tâm mua sắm Lộc Lê đột phá mạnh hơn bằng việc giảm đến 40% giá cho một số mặt hàng, cộng thêm các chương trình mua hàng có quà tặng và tham dự quay vòng trúng số.

Tại Hà Nội, ngoài khuyến mại của nhà sản xuất các công ty phân phối cũng đua nhau thu hút người tiêu dùng bằng những quảng cáo hấp dẫn. Công ty Việt Long 57B Giảng Võ ngoài tặng quà còn tổ chức bốc thăm khuyến mại riêng cho khách hàng mua các sản phẩm tại đây. Hàng loạt cửa hàng trên phố điện tử điện lạnh Hai Bà Trưng, Nguyễn Lương Bằng sẵn sàng giảm giá cho khách hàng, có loại tủ lạnh giá mềm tới gần một nửa.

Tổng giám đốc Lộc Lê Trần Lộc giải thích: "Chỉ giảm giá 40% cho các loại hàng trưng bày tại trung tâm, chứ không giảm nhiều đối với hàng nguyên thùng". Còn thông tin từ một nhà sản xuất điện tử cho hay, hầu hết hàng B (trưng bày) là hàng thanh lý giá nội bộ trong công ty chứ không bán ra thị trường.

Sau giờ G sẽ rõ

Muốn đổi con tivi 21 inchs LG màn hình phẳng lấy chiếc 29 inchs Trinitron, sáng nay vợ chồng anh Quốc Thanh lượn tới lui khảo giá đến mấy vòng ở Trung tâm điện máy Nguyễn Kim, TP HCM, rồi quyết định chờ vài hôm nữa mới tậu về nhà. "Nghe nói sắp có AFTA gì đấy, giá hàng điện tử sẽ rẻ hơn nên vội gì mà không chờ thêm ít hôm nữa", anh Thanh nói.

Nhìn chung, tâm lý của người tiêu dùng đang chờ đợi xem hàng điện tử có giảm giá hay không để có thể mua được hàng với giá rẻ. Sức mua tại các Trung tâm kim khí điện máy ở TP HCM giảm mạnh trong hơn 1 tuần nay, kể từ khi các phương tiện thông tin đại chúng bắt đầu bàn về giá nhiều mặt hàng sẽ giảm khi Hiệp định Afta bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2006.

Người tiêu dùng có tâm lý chờ hàng điện tử giảm giá sau ngày 1/1/2006 để mua. Ảnh: P.A.

Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Tân Thịnh An, đơn vị kinh doanh Trung tâm điện máy Ideas - ông Ngô Quang Vinh cho biết, khách tham quan hàng hóa vẫn đông như bình thường, song số hàng bán được rất ít. Còn tại Trung tâm mua sắm điện máy Lộc Lê, tuần qua, lượng khách mua hàng tại đây giảm gần 1 nửa so với nửa đầu tháng 12. Lượng khách đến các trung tâm điện máy khác như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Phan Khang... vẫn đông nhưng chủ yếu chỉ thăm hỏi các chi tiết kỹ thuật, tham khảo giá và... hẹn sang đầu năm tới.

Theo ông Vinh, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi AFTA chủ yếu là hàng điện tử, điện lạnh. Song trên thực tế, cả hàng điện gia dụng cũng bị lây bệnh chờ đợi của người tiêu dùng. Các mặt hàng điện máy có xuất xứ ngoài Asean như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng không bị người tiêu dùng loại trừ.

Nhà sản xuất chờ chính sách

Nhà sản xuất tại Việt Nam như Sony, Samsung, LG, Toshiba, Panasonic... khẳng định, chưa có kế hoạch giảm giá các mặt hàng điện tử sau ngày 1/1/2006. Tổng giám đốc Công ty Sony Việt Nam Hirai Fumiatsu cho rằng, AFTA có thể tác động đến ngành điện tử Việt Nam trong năm 2006 nhưng mức độ không lớn, vì phần lớn các sản phẩm tivi LCD, video và máy ảnh kỹ thuật số nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế ưu đãi CEPT của Afta.

Trưởng phòng bán hàng LG Electronic Trần Trung Kiên cho hay, chưa có thuế mới hàng điện tử điện lạnh đã giảm giá tới 10% mỗi năm do cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, năm tới được dự báo giá nguyên liệu đầu vào sẽ tăng mạnh vì thế hàng nhập khẩu khó có cơ hội giảm giá mạnh.

Song các nhà nhập khẩu lại cho rằng giá hàng điện máy sẽ mềm hơn, giảm bao nhiêu còn tùy thuộc nguồn cung từ nước ngoài. Ông Nguyễn Tuấn Vịnh, chủ cửa hàng điện tử điện lạnh trên phố Giảng Võ, cho biết, nhiều đầu nậu đã chào giá hàng trắng (tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, lò vi ba) giảm 10% so với năm nay. "Chưa giảm thuế giá hàng nhập đã thấp hơn hàng trong nước lắp ráp thì không có lý do gì đầu năm sau giá cả không biến động, chỉ có điều ít hay nhiều mà thôi", ông nhận định.

Trong khi liên doanh và các nhà phân phối mỗi người một ý thì doanh nghiệp trong nước lo lắng thực sự. Ông Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng kế hoạch Tổng công ty điện tử tin học VN, mới đây đã gửi một bức thư tới Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải nêu tình hình nguy ngập của các doanh nghiệp và đề nghị có giải pháp tháo gỡ. Năm 2005 số lãi của tổng công ty này chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng. Họ hy vọng các bộ ngành sẽ thực hiện lời hứa hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước bằng quyết định giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ đầu năm 2006.

Việt Phong - Phan Anh