Giá trị cổ phiếu của MobiFone vẫn còn là ẩn số
Các Website khác - 08/12/2005

Loay hoay mãi, đại gia trong làng viễn thông VNPT vẫn chưa định giá được tài sản để đưa cổ phiếu của MobiFone lên sàn chứng khoán. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm trễ này sẽ mài mòn tâm lý chờ đợi của giới đầu tư, vô hình chung sẽ kéo tụt giá trị cổ phiếu.

Chất lượng dịch vụ điện thoại di động ở Việt Nam vẫn thua xa các nước trong khu vực. Ảnh: MK.

Kế hoạch cổ phần hóa 2 doanh nghiệp viễn thông MobiFone và VinaPhone được Chính phủ cho phép từ năm 2004. Tuy nhiên, đến thời điểm này, MobiFone mới hoàn tất việc thanh lý hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Comvik Thụy Điển. Công việc tiếp theo là thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn để định giá tài sản, còn thời điểm nào chính thức đưa cổ phiếu lên sàn vẫn còn là ẩn số.

Trước đó, Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính VN (VAFI) đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Bưu chính Viễn thông đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa 2 doanh nghiệp VinaPhone và MobiFone để tìm cách đưa người dân đến với thị trường chứng khoán.

Theo VAFI, MobiFone và VinaPhone là hai doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh nên sẽ không gặp khó khăn gì trong vấn đề xử lý tài chính, công nợ... Hơn nữa, 2 thương hiệu này cũng đã trở nên quen thuộc với đông đảo người dân với số Nhà nước lên tới vài trăm triệu USD. Đây cũng là lý do khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ hấp dẫn.

Bà Phạm Minh Hương, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP HCM (SSI) nhận định, đây là thời điểm thích hợp để đưa cổ phiếu ra sàn, bởi niêm yết cổ càng sớm thì càng huy động được nhiều vốn. Theo bà, hiện nay, cổ phiếu của các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang là điểm nóng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Sau lần phát hành trái phiếu Chính phủ ra quốc tế, vị thế của VN đã nâng lên rõ rệt, nhiều Nhà đầu tư nước ngoài đã chú ý hơn đến VN. "Mục tiêu phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp di động chính là chiến lược dùng ngoại lực để kích nội (kích tiềm lực trong dân chúng của Chính phủ", bà Hương nhận định.

Giới chuyên gia tài chính còn có những suy nghĩ khác. Họ cho rằng, việc cổ phần hóa 2 doanh nghiệp này chậm chạp đang mài mòn tâm lý chờ đợi của giới đầu tư.

Theo ông Hoàng Mạnh Thắng, chuyên viên phân tích cao cấp của Quỹ Dragon Capital, quá trình hình thành tập đoàn của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN đã làm chậm kế hoạch cổ phần của các doanh nghiệp di động. Trong khi đó, kinh doanh di động dù là lợi nhuận và giàu tiềm năng nếu xét trên bề mặt dân số, song là lĩnh vực đặc thù riêng không giống các lĩnh vực khác.

Nhìn nhận thực tế những năm qua có thể thấy, nếu như xăng dầu, điện than... liên tục biến động và tăng giá hằng ngày thì giá cước di động lâu nay chỉ biết có giảm mà không có tăng. Đó là chưa kể, khi các mạng di động khác như Hanoi Telecom, EVN Telecom chuẩn bị ra đời, chiếc bánh thị phần dần bị chia sẻ khiến lợi nhuận ngày một giảm đi. "Rõ ràng, chậm cổ phần ngày nào sẽ kéo tụt giá trị cổ phiếu chừng ấy", ông Thắng nói.

Nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán cũng cho rằng, lâu nay, giá trị cổ phiếu của các nhà cung cấp dịch vụ di động chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như thương hiệu, chất lượng dịch vụ, lợi nhuận... Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua đã khiến chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp giảm sút đáng kể. Do vậy, cổ phần hóa VinaPhone và MobiFone càng sớm càng tốt. Như thế các doanh nghiệp có thể tận dụng được thời gian đang ở trên thế thượng phong trước khi bị xuống thấp vì cạnh tranh.

Thực tế cho thấy, sau vụ tranh chấp kết nối giữa các mạng di động cùng với chất lượng kém, thương hiệu của các nhà cung cấp dịch vụ đã bị ảnh hưởng đáng kể. Nếu các nhà cung cấp không nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao vị thế của mình thì cổ phiếu sẽ rất khó thu hút được các nhà đầu tư.

Bà Phạm Minh Hương lại cho rằng, thị trường viễn thông có đặc thù riêng không giống như các loại hình dịch vụ kinh doanh khác. Giá cước thời gian gần đây tuy giảm mạnh nhưng tốc độ phát triển thuê bao cũng nhanh không kém. Bên cạnh đó, giá thiết bị đầu cuối (chi phí đầu vào) để nuôi một thuê bao di động cũng ngày càng giảm. Nếu như trước đây, chi phí cho một thuê bao di động khoảng 80 USD thì giờ chỉ còn khoảng 30 USD. "Đó chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp muốn nhảy vào kinh doanh lĩnh vực này. Vấn đề còn lại là cơ chế chính sách và mục tiêu cổ phần hóa 2 doanh nghiệp này của Chính phủ như thế nào: nâng cao tính cạnh tranh hay nhằm mục đích huy động vốn", bà nói.

Từ chối đưa ra lời bình luận song Phó trưởng ban Đổi mới của Chính Phạm Viết Muôn cho rằng, còn quá sớm để nhận định cổ phiếu của 2 đại gia trong làng di động này có hấp dẫn hay không. "Theo tôi, tất cả phải được kiểm chứng qua thực tế qua sàn giao dịch chứng khoán", ông nói.

Theo ông, các nhà đầu tư đều là những người có đầu óc, họ sẽ tính toán sao cho có lợi trước khi đưa ra quyết định mua. "Tất cả còn ở phía trước, kết quả cuối cùng sẽ được kiểm chứng qua sàn đấu giá", ông Muôn nhấn mạnh.

Hồng Anh

Theo dòng sự kiện:
VNPT và Viettel lại cãi nhau về chuyện kết nối (05/12)
Cổ phần hóa VinaPhone không dễ (30/11)
Đầu năm 2006 cổ phần hóa MobiFone (18/11)
Kết luận chính thức chuyện tranh chấp kết nối (24/08)
Thời điểm đưa cổ phiếu MobiFone lên sàn còn xa (17/08)
Xem tiếp»