Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã cho biết như vậy tại buổi họp báo ngày 5/1, công bố các giải pháp cấp bách nhằm thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.
Giá khuyến mãi rẻ chưa từng có
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2009, khách du lịch sẽ được hưởng giá khuyến mãi rẻ chưa từng có từ trước đến nay.
Tổng cục Du lịch đã chọn một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn để xây dựng gấp các tour du lịch khuyến mại, trong đó các khách sạn lớn như New Epoch Hotel, Riverside Hotel Saigon, Victory, Majetic, Grand (TP.HCM), Sofitel Plaza Hanoi, Fortuna, Moeven Pick Hotel, Thang Long Opera Hotel... (Hà Nội) cam kết giảm giá từ 30-50%.
|
Khách du lịch tàu biển đến với Hạ Long. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Hiện Tổng cục Du lịch đang xúc tiến chuẩn bị quảng bá rộng rãi cho đợt khuyến mãi này với slogan Ấn tượng Việt Nam (Impressive Vietnam) và hi vọng "văn hóa giảm giá" sẽ phổ biến hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, giải pháp này chỉ là giải pháp tạm thời, còn giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.
25.580 tỉ đồng "kích cầu" du lịch
Theo đề án Phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới của Tổng cục Du lịch, mục tiêu năm 2009 đón 4,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (giữ mức tăng trưởng đạt 5%), 22 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 10-10,4%) và thu nhập du lịch đạt 65.000 tỉ đồng (tăng 8-8,5% so với năm 2008).
Để đạt được mục tiêu này, theo đề án, các doanh nghiệp lữ hành đón khách du lịch quốc tế (inbound) vào Việt Nam trong thời hạn 2 năm 2009 và 2010 sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và giãn thời hạn nộp 9 tháng.
Để kích cầu tiêu dùng thông qua du lịch nội địa, đối với các doanh nghiệp, các đơn vị dịch vụ công, khi tổ chức đi du lịch, nghỉ mát trong nước cho người lao động sẽ được cơ quan tài chính, thuế cho phép hạch toán toàn bộ khoản tiền đó vào phí, không tính vào lợi nhuận ròng của các đơn vị này khi tính thuế.
Nguồn tin từ Tổng cục Du lịch cho biết, kinh phí dự kiến cho thực hiện đề án trong năm 2009 là 25.580 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 7.215 tỉ đồng (gồm khấu trừ trực tiếp vào thuế: 3.235 tỉ đồng; cho vay ưu đãi: 2.000 tỉ đồng; trợ giá sản phẩm thương mại: 1.795 tỉ đồng; phát triển sản phẩm: 20 tỉ đồng; xúc tiến quảng bá: 165 tỉ đồng), còn lại là ngân sách địa phương, đầu tư của doanh nghiệp và nguồn huy động khác.
Tổng cục Du lịch cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách cho vay vốn ưu đãi thực hiện cải tạo, nâng cấp có chọn lọc một số dịch vụ và trợ giá đối với các dòng sản phẩm định hướng, có ưu thế nổi trội trong việc thu hút khách inbound.
Cụ thể, đối với du lịch tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp mua sắm sẽ trợ giá 10% cho các hãng lữ hành quốc tế đối với các hợp đồng đón từ 05 khách inbound, có độ dài tour từ 5 ngày trở lên (trong đó có 4 đêm nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch) trong thời gian từ 1/2 đến hết 30/4/2009.
Đối với du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị (MICE), đề nghị Nhà nước trợ giá 20% cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đối với các hợp đồng đón từ 50 khách inbound trở lên trong thời gian từ 1/2/2009 đến 31/12/2009. Riêng giai đoạn từ tháng 5/2009 đến hết tháng 8/2009, trợ giá 30% đối với dòng sản phẩm này.
Theo VTC News
▪ Vàng giảm 200.000 đồng/lượng, dầu tăng giá (06/01/2009)
▪ Giá lúa thấp: Nông dân bán dạo gạo kiếm tiền tết (06/01/2009)
▪ 35 ngàn tỷ đồng đầu tư xây nhà cho người có thu nhập thấp (06/01/2009)
▪ Sức mua hàng tết giảm đến 70% (03/01/2009)
▪ "Được" và "mất" sau 2 năm gia nhập WTO (03/01/2009)
▪ Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng nhẹ (03/01/2009)
▪ Vàng và USD “neo” ở mức cao (02/01/2009)
▪ Dự báo nhiều khó khăn năm 2009 (02/01/2009)
▪ Đầu năm mua sắm tại siêu thị tăng vọt (02/01/2009)
▪ Cái khó ló cơ hội cho sản xuất trong nước (31/12/2008)