Hà Nội 'kích' cầu đấu giá đất
Các Website khác - 26/09/2005

Từ 20/9, người không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội (KT3) có thể tham gia các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất như những người khác theo quy định trước.

Đó là nội dung được chú ý nhất trong quyết định mới của UBND TP Hà Nội về đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, người thuộc diện KT3 có việc làm ổn định tại Hà Nội (theo quyết định điều động hoặc tuyển dụng, hợp đồng lao động được tổ chức và đơn vị quản lý lao động trực tiếp xác nhận), có đóng bảo hiểm đầy đủ, liên tục tại Hà Nội từ 3 năm trở lên và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đủ điều kiện mua nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật có thể tham gia các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội.

Có 3 hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Thứ nhất, đấu giá bằng bỏ phiếu kín trực tiếp theo từng vòng, mở công bố công khai từng vòng, liên tục cho đến khi không còn người trả giá cao hơn, thì người cuối cùng có mức giá trả cao nhất là người trúng đấu giá (hình thức này phải thực hiện tối thiểu qua 3 vòng đấu).

Thứ hai, đấu giá bằng bỏ phiếu kín trực tiếp 1 vòng, mở kết quả công khai. Trường hợp đấu giá nhiều thửa đất trong cùng một lô đất để xây dựng nhà ở thì xét người trúng giá cho từng thửa đất dựa trên nguyên tắc thứ tự người bỏ giá từ cao xuống thấp được chọn vị trí cho đến đủ số lượng các thửa đất. Trường hợp một thửa đất có nhiều người bỏ giá bằng nhau thì tổ chức cho những người đó bắt thăm để chọn người trúng giá.

Thứ ba, hình thức đấu giá công khai bằng lời, hội đồng đấu giá chỉ được công bố giá khởi điểm vào lúc bắt đầu thực hiện phiên đấu giá. Người tham gia đấu giá phải trả giá trực tiếp bằng lời liên tục cho đến khi không còn người trả tiếp. Người có mức giá trả cao nhất là người trúng đấu giá. Trường hợp tất cả các đối tượng đều trả giá thấp hơn giá khởi điểm thì hội đồng đấu giá quyết định đình chỉ phiên đấu giá, báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều chỉnh giá khởi điểm.

Người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi nộp hồ sơ phải nộp khoản tiền bảo lãnh trách nhiệm cho bên tổ chức đấu giá theo quy định của từng dự án. Khoản tiền này không quá 5% giá trị thửa đất tính theo giá sàn được duyệt hoặc bằng giá trị tạo lập khu đất trong trường hợp cho thuê đất. Người trúng giá đất được trừ tiền bảo lãnh vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp. Người không trúng đấu giá đất được trả lại tiền bảo lãnh, chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá.

Những trường hợp không được nhận lại tiền bảo lãnh gồm người đăng ký tham gia đấu giá đất được xác định đủ tư cách nhưng không tham gia đấu giá; người tham gia đấu giá đất trả giá thấp hơn giá quy định của vòng đấu giá bắt buộc, hoặc tham gia đấu giá từ vòng thứ hai trở đi nhưng trả giá thấp hơn giá cao nhất của vòng đấu trước trực tiếp; người trúng đấu giá nhưng từ chối nhận quyền sử dụng đất hoặc rút lại giá đã trả; người tham gia đấu giá vi phạm quy chế đấu giá.

Theo quy định mới, giá khởi điểm không được thấp hơn giá đất, giá cho thuê đất do UBND thành phố Hà Nội quy định tại thời điểm tổ chức đấu giá. Trong trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất với các khu đất do Nhà nước giải phóng mặt bằng (giải phóng mặt bằng), đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có giá khởi điểm: giá tối thiểu làm căn cứ định giá khởi điểm không thấp hơn chi phí giải phóng mặt bằng cộng suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tiền sử dụng đất theo khung giá quy định cho 1m2 đất sử dụng.

Đối với công trình xây dựng, nhà chuyên dùng gắn liền với quyền sử dụng đất: giá tối thiểu làm căn cứ xác định giá khởi điểm không thấp hơn giá trị còn lại của nhà, công trình cộng tiền sử dụng đất theo khung giá quy định cho 1m2 đất sử dụng và tiền hỗ trợ di chuyển (nếu có). Bước giá tối thiểu là 100.000 đồng/m2 và tối đa 1.000.000 đồng/m2 đất đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất; từ 1.000 đồng/m2/năm đến 20.000 đồng/m2/năm đối với trường hợp cho thuê đất.

UBND thành phố Hà Nội sẽ là cấp phê duyệt giá sàn và bước giá theo đề nghị của Sở Tài chính và ủy quyền cho UBND quận, huyện phê duyệt giá sàn và bước giá các dự án đầu tư trên đất nông nghiệp nhỏ lẻ, xen kẽ.

Trong các trường hợp người trúng đấu giá từ chối không nhận quyền sử dụng đất hoặc rút lại giá đã trả thì hội đồng đấu giá sẽ xem xét tổ chức đấu giá lại vào một thời điểm khác. Trường hợp đấu giá với khu đất đã được chia thành nhiều thửa nhỏ để làm nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân thì người tham gia đấu giá được quyền nộp hồ sơ đăng ký đấu giá nhiều thửa đất khác nhau (mỗi thửa đất 1 hồ sơ).

Giá thuê đất phê duyệt cho người trúng giá được giữ ổn định trong thời hạn 3 năm. Nếu giá cho thuê đất do UBND thành phố Hà Nội ban hành vào ngày 1/1 hàng năm cao hơn giá đang thuê thì áp dụng theo giá đất do UBND thành phố Hà Nội quy định. Trường hợp thấp hơn thì vẫn giữ nguyên theo kết quả đấu giá.

(Theo TBKTVN)