Quy chế kinh doanh thép vẫn... long đong
Các Website khác - 24/09/2005
Quy chế kinh doanh thép vẫn... long đong
Công Thắng

Sản xuất thép ở Nhà máy thép
Pomina.
Bản "Quy chế kinh doanh thép xây dựng", do Bộ Thương mại (TM) biên soạn và phát hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2005. Nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh thép vẫn không chấp nhận. Tại sao?

Bộ TM nói mình đúng
Bà Lê Thị Kim Ngân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước - Bộ TM - khẳng định: Việc xây dựng quy chế được chuẩn bị kỹ; đã lấy ý kiến tham khảo của nhiều cơ quan rồi mới ban hành. Bối cảnh ban hành quy chế bởi thị trường thép biến động, hệ thống tiêu thụ không đáp ứng được sự quản lý của Nhà nước, cần phải lập lại hệ thống phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Về nội dung bản quy chế - vấn đề đang bị các DN phản ứng dữ dội - bà Ngân khẳng định: Bộ TM có căn cứ pháp lý và đủ thẩm quyền ban hành; bản quy chế không hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh của các DN; các DN có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh, hệ thống kinh doanh và phải tuân thủ quy định của hệ thống đó. Bộ TM không quy định chế tài xử phạt, chỉ dẫn chiếu quy định xử phạt theo pháp luật hiện hành.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Hoàng Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TM - cho rằng: Đang có các cửa hàng bán thép treo biển đại lý, nhưng thực tế là kinh doanh mua bán, vì vậy phải có quy chế để quản lý. Hiệp hội Thép và các DN đã hiểu sai nội dung của bản quy chế và cách hiểu mang tính suy luận. Quy chế này là văn bản dưới luật, được xây dựng không trái luật. Hành vi được xác định rõ trong quy chế là các chủ thể có thể lựa chọn làm hoặc không làm, vì vậy quy chế không áp đặt DN.

DN nói: Quy chế sai
Chủ tịch Hiệp hội Thép VN - ông Phạm Chí Cường khẳng định: Hoạt động kinh doanh của ngành thép chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Giá, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật DN... và đang vận hành tốt theo cơ chế thị trường. Còn bản quy chế đã thu hẹp quyền của các DN, áp đặt và gây nhiều cản trở cho các DN trong sản xuất và kinh doanh.

Chứng minh cho sự bất cập của mô hình đại lý tiêu thụ thép hưởng hoa hồng, ông Hoàng Văn Tòng - Phó Tổng Giám đốc Cty gang thép Thái Nguyên - cho biết: Cty đã áp dụng kiểu tiêu thụ thép như thế, nhưng rất bất cập. Bán 1.000 tấn thép ở đại lý này, cả tháng mới thu được vốn. Nếu áp dụng mô hình này, Cty phải tăng vốn lên gấp đôi.

Còn để quản lý một đại lý hưởng hoa hồng như Bộ TM yêu cầu, ông Tòng khẳng định: "Phức tạp hơn 5 tổng đại lý hiện nay của Cty". Mỗi khi giá cả lên xuống, DN rất vất vả đi kiểm tra xem đại lý báo cáo đúng - sai. Hàng trăm cửa hàng tiêu thụ thép của Cty mà cũng phải đi kiểm tra như thế là việc không khả thi.

Theo ông Lại Quang Trung - đại diện Hiệp hội Thép: "VN đang xúc tiến gia nhập WTO, mọi can thiệp hành chính của Nhà nước sẽ vi phạm tiêu chí của WTO. Cần phải xây dựng nền kinh tế thị trường, ở đó DN được định giá, người tiêu dùng quyết định giá thông qua lựa chọn".

Đồng ý với kiến nghị của Hiệp hội Thép, ông Hào - đại diện Ban Xây dựng pháp luật - Văn phòng Chính phủ - cho rằng: Nội dung bản quy chế khập khiễng, không đồng bộ và không khách quan. Bản quy chế chỉ hướng dẫn về đại lý hưởng hoa hồng là quá hẹp. Nội dung bản quy chế khó hiểu hoặc hiểu theo nhiều cách là không ổn trong thực hiện.

Đánh giá bản quy chế nêu trên, ông Nguyễn Văn Tuấn - chuyên viên Cục Kiểm tra văn bản pháp quy pháp luật - Bộ Tư pháp - cho biết: "Nội dung không tương ứng đối với đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh. Thép không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá. Chức năng bình ổn giá là của Chính phủ và Bộ Tài chính, không phải là của Bộ TM như quy chế đề cập. Tính pháp lý của quy chế dẫn chiếu chung chung, căn cứ không cụ thể. Từ ngữ của bản quy chế tối nghĩa, khó hiểu, dễ hiểu sai, sẽ gây tranh cãi khi thực hiện".

Bà Mạc Thị Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp luật - Bộ Tư pháp - cũng cho biết: Văn bản quy chế gây nhiều tranh cãi trong nhận thức nội dung là có vấn đề không ổn. Chúng tôi sẽ làm việc tiếp với Bộ TM về văn bản này. Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, trao đổi và đề xuất giải pháp với Thủ tướng và Quốc hội để giải quyết.