Hải Phòng: Chợ Hỗ đang bị "cướp" khách?
Các Website khác - 20/03/2006
Hải Phòng: Chợ Hỗ đang bị "cướp" khách?

Đầu tháng 3.2006, xã Tân Tiến (huyện An Dương, TP.Hải Phòng) khánh thành ngôi chợ "hoành tráng" rộng 2ha với vốn đầu tư gần 5 tỉ đồng, nhằm "cạnh tranh lành mạnh" với chợ Hỗ (chợ đầu mối rau quả), nằm đối diện bên kia đường 5. Mâu thuẫn nảy sinh khi hai chợ đều tìm cách co kéo tiểu thương.

Dự án xây dựng chợ Hỗ đã có từ 10
năm nay, nhưng...
Giành giật tiểu thương
Nằm sát bên đường 5 (TP.Hải Phòng), chợ Hỗ từ lâu đã là một chợ đầu mối cung cấp rau quả cho khu vực nội thành Hải Phòng và Quảng Ninh. Năm 1997, TP.Hải Phòng đã có kế hoạch chi 2,2 tỉ đồng xây dựng chợ Hỗ tại địa điểm mới, cách chợ cũ khoảng 300m, nhưng do chủ đầu tư (huyện An Dương) cứ mãi lần lữa, nên đến nay chợ mới chỉ có một căn nhà chính hoàn thành, còn các công trình phụ trợ, mặt bằng... vẫn chỉ là bãi đất trống. Hằng đêm, từ lúc 0h - 5h sáng, hàng ngàn người buôn rau quả khắp huyện An Dương và một số vùng lân cận Hải Dương đổ dồn về họp tại bãi đất trống trước chợ Hỗ mới.

BQL chợ chỉ mỗi nhiệm vụ thu phí, nên tình trạng mất trật tự, trộm cắp xảy ra thường xuyên, thậm chí có người còn bị cướp trắng trợn. Hết mỗi đêm, khi hơn 30 tấn rau quả được mua bán xong, để lại một quang cảnh chợ nhếch nhác đầy rác rưởi. Chợ mới không được xây dựng hoàn chỉnh, chợ cũ không được nâng cấp sửa chữa kéo dài suốt gần 10 năm trời như vậy.

Trước sự "lấn lướt" của chợ Tân Tiến, đêm thứ tư, phía An Hưng liền "cải tổ" chợ của mình: Rác rưởi được dọn, bãi đất được san phẳng phiu, thắp điện sáng choang, mời tiểu thương về họp lại. Đã quen chợ cũ, nên sau ba hôm "di tản", người dân lại về chợ Hỗ buôn bán. Lập tức, phía chợ Tân Tiến đưa ra một loạt "ưu đãi" tiểu thương như được miễn tiền lệ phí, trông xe nửa tháng, giá thuê sạp hàng cũng "cạnh tranh" hơn và sẵn sàng bù lỗ cho tiểu thương nếu không bán được hàng ở đây. Đồng thời với đó là cảnh người của hai bên ra sức co kéo, mời chào người dân vào chợ của mình, thi nhau tố cáo chợ kia chơi xấu chợ mình như cắt trộm điện, ép buộc bà con vào chợ...

Lãng phí đầu tư
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch UBND xã An Hưng - cho biết: Việc xây dựng chợ Hỗ mới chậm trễ là do huyện An Dương trong quá trình sáp nhập, đổi tên huyện nên chưa được đầu tư tiếp (?). Khi xảy ra việc hai chợ giành giật tiểu thương của nhau, xã đã trình huyện và ngày 14.3, huyện đã có thông báo giao cho xã An Hưng làm chủ đầu tư, tiếp tục xây chợ Hỗ mới. Ông Thứ khẳng định, An Hưng nhất định không để mất thương hiệu chợ Hỗ vốn tồn tại đã hơn 100 năm nay.

Ông Phạm Văn Được - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến - lại cho rằng, chủ trương xây dựng chợ, xã đã có từ 10 năm trước. Ông nói: "Dân xã tôi đi chợ Hỗ phải trèo qua 3 hàng rào bảo vệ đường 5, hết sức nguy hiểm. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông khi đi chợ, nên người dân mong muốn xã có một cái chợ".

Vẫn theo ông Được: Với hạ tầng tốt, chính sách ưu đãi nên trong chưa đầy nửa tháng, chợ Tân Tiến thu hút được 60 hộ đăng ký các sạp hàng và hàng trăm người bán rau quả ban đêm. "Quan điểm của chúng tôi là hai chợ cùng cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Chúng tôi không hề chỉ đạo cho BQL chợ co kéo hay tranh giành khách của chợ Hỗ".

Trong khi "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" thì những người dân kinh doanh lãnh đủ phiền phức. Hằng đêm, hai bên tung lực lượng ra chặn đường gọi loa oang oang "mời" tiểu thương về chợ của mình, gây cảnh náo loạn.

Việc xây dựng chợ để buôn bán được thuận tiện là điều cần thiết. Nhưng chỉ cách nhau một con đường với vài chục bước chân mà cho xây 2 chợ gần 10 tỉ đồng thì rõ ràng không hợp lý. Đó là chưa kể tới việc cạnh tranh không lành mạnh giữa hai bên đã tạo ra sự mâu thuẫn và chính quyền địa phương gây ra những phiền toái không đáng có cho người dân.

Hoàng Hoan