Hàng loạt tàu cá nằm bờ
Các Website khác - 12/09/2005
Khâu dự báo ngư trường chưa hiệu quả.

Nhiều tàu cá xa bờ, công suất 500-800 CV đang làm ăn thua lỗ, có nguy cơ phá sản hoặc phải nằm bờ dài hạn. Ngoài nguyên nhân chi phí tăng vọt theo giá dầu, nhiều ngư dân cho rằng ngư trường truyền thống đã bắt đầu cạn kiệt. Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc trao đổi thêm về thực trạng này.

- Xin cho biết ý kiến ông về việc ngư trường đang cạn kiệt?

- Trong những năm gần đây, ngư trường Đông Nam bộ - lớn nhất trong bốn ngư trường ở vùng biển VN hiện nay - đã bị khai thác quá mức. Hoạt động khai thác cá tại đây ngày càng khó khăn hơn, thời gian đi biển kéo dài nhưng sản lượng khai thác lại giảm mạnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là số lượng tàu cá đóng mới tại khu vực này ngày càng nhiều, tàu cá từ các khu vực như miền Trung và miền Tây Nam bộ cũng đổ xô vào ngư trường này đánh bắt. Tôi nghe ngư dân nói trước đây phát hiện một luồng cá có thể đánh bắt cả tháng mới hết, còn hiện nay chỉ có thể kéo dài trong dăm bảy ngày.

- Qua đó có thể thấy gì về công tác điều tra, tìm kiếm và dự báo ngư trường, nguồn lợi của ngành thủy sản?

- Công tác điều tra, dự báo ngư trường, nguồn lợi đang là vấn đề lớn của ngành thủy sản. Giữa con số dự báo và sản lượng đánh bắt trên thực tế vẫn còn khoảng cách khá lớn. Chẳng hạn như năm 2004, trong khi con số dự báo năng lực khai thác cho phép chỉ dao động ở mức 1,4-1,5 triệu tấn, thì tổng sản lượng khai thác của đội tàu cá cả nước lên tới 1,7 triệu tấn, chênh nhau 200.000-300.000 tấn.

Thực tế thời gian qua ngành thủy sản có tổ chức điều tra về ngư trường, nhưng số liệu không đầy đủ, việc dự báo “khi trúng, khi trật”. Công tác điều tra, dự báo không chỉ chưa phục vụ được nhu cầu đánh bắt của người dân mà ngay cả số liệu để quy hoạch cũng chưa chính xác lắm.

- Những yếu kém đó sẽ được khắc phục trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

- Ngành thủy sản đang xúc tiến nhiều chương trình nâng chất cho những thông tin về ngư trường, nguồn lợi. Tôi đã giao Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thực hiện đề án tổng thể về khai thác hải sản. Theo đề án này, các khâu như hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần, thông tin liên lạc… đều được chi tiết hóa, có chương trình thực hiện cụ thể.

Hoạt động khai thác, công tác điều tra về ngư trường, nguồn lợi… sẽ được tổ chức theo hướng lấy số liệu “sống” thay vì số liệu “chết”. Ngành thủy sản cũng thực hiện chương trình phối hợp điều tra với các nước trong khu vực Đông Nam Á, sẽ tổ chức các chuyến khảo sát chung, các tàu điều tra độc lập của từng nước, rồi tổng hợp, trao đổi thông tin về ngư trường, về nguồn lợi.

Trên cơ sở đó ngành thủy sản sẽ xây dựng một bản đồ ngư trường chi tiết - điều mà đến nay chúng ta vẫn chưa làm được, đảm bảo cho ngư dân đủ thông tin để tổ chức khai thác. Việc dự báo về ngư trường, về nguồn lợi hải sản sẽ đạt tính chính xác cao hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin cũng như độ tin cậy cho ngư dân.

- Nhiều ngư dân cho rằng số lượng tàu cá đóng mới quá nhiều, ông nghĩ sao?

- Số lượng tàu cá quá nhiều là một trong những nguyên nhân làm cho hiệu quả đánh bắt đạt thấp. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng hơn là trong cơ cấu khai thác hiện nay có nhiều vấn đề bất hợp lý mà ngành thủy sản chưa tổ chức lại được.

Tôi lấy ví dụ như sản phẩm của nghề lưới kéo có giá trị thấp do hỗn tạp nhiều loại hải sản, khâu bảo quản không đảm bảo chất lượng. Nghề lưới kéo đánh cá tầng đáy đòi hỏi tàu phải có công suất lớn (từ 400 CV trở lên), thời gian đi biển lại kéo dài, thường đạt sản lượng cao nhưng phần lớn tàu cá làm nghề này hiện đang bị thua lỗ. Nghề lưới rê chuyên đánh bắt loại “cá chọn”, chẳng hạn cá thu, cá ngừ... có giá trị cao, không cần tàu có công suất lớn, thường là loại tàu có công suất 90-100 CV, thời gian đánh bắt lại ngắn ngày.

Có thể thấy rằng nghề lưới rê đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nghề lưới kéo, nhất là trong điều kiện giá dầu ngày càng tăng. Do vậy, việc cơ cấu lại ngành nghề khai thác là yêu cầu bức thiết, phải thấy rằng hiệu quả của tàu cá phải dựa trên giá trị của mẻ lưới chứ không phải sản lượng của mẻ lưới đó.

(Theo Tuổi Trẻ)