Hệ thống phân phối trước hội nhập: Cơ hội ít, nguy cơ đổ vỡ nhiều
Các Website khác - 16/06/2006
Khi Việt Nam "chơi chung sân" WTO:

Bài 3: Hệ thống phân phối trước hội nhập:
Cơ hội ít, nguy cơ đổ vỡ nhiều
Công Thắng

Khi gia nhập WTO, VN sẽ tự do hoá lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và nhượng quyền kinh doanh. Như vậy, thị trường VN sẽ xuất hiện thêm nhiều tập đoàn phân phối khổng lồ của nước ngoài, có tiềm lực to lớn, tính chuyên nghiệp cao... Khi đó, cơ hội thì ít và nguy cơ đổ vỡ là điều khó tránh nếu như các DN thương mại VN không thay đổi phương thức kinh doanh.

Siêu thị của Vinatex luôn thu hút
một khối lượng lớn khách hàng
nội địa.

Thị trường tiềm năng

Theo thống kê của Bộ Thương mại, tổng mức tiêu dùng của VN những năm gần đây đã đạt mức từ 25 - 30 tỉ USD/năm. Theo giới kinh doanh thương mại quốc tế, VN là quốc gia đứng thứ ba sau Nga và Ấn Độ về tiềm năng phát triển thương mại. Với một thị trường hơn 80 triệu dân, VN đã "lọt vào vòng ngắm" của các tập đoàn phân phối đa quốc gia, khi họ đạt được thoả thuận VN phải mở cửa lĩnh vực này khi gia nhập WTO.

Được biết, trước kia, hệ thống thương mại bán lẻ tại VN hầu hết thông qua mạng lưới phân phối truyền thống gồm các chợ đầu mối và người bán lẻ. Từ năm 1997, thị trường VN xuất hiện hàng tiêu dùng của các tập đoàn đa quốc gia. Lập tức các Cty này đã xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối (chiếm 90% thị phần hoạt động phân phối thương mại nội địa) và làm cho cung cách buôn bán và phân phối hàng hoá truyền thống bị phá vỡ.

Hệ thống siêu thị của các Cty VN như: Coop Mart, City Mart, Maxi Mart... cùng siêu thị của các tập đoàn phân phối nước ngoài: Metro, Big C, Parkson... xuất hiện trong những năm gần đây đã làm cho bà con tiểu thương phải kêu ca nhiều về chuyện khó tiêu thụ hàng hoá.

Theo phân tích của giới kinh doanh thương mại, khi VN là thành viên của WTO, với sự có mặt của các tập đoàn phân phối đa quốc gia cùng tiềm lực tài chính, kinh nghiệm phân phối hàng hoá hiện đại... nguy cơ sụp đổ kênh phân phối truyền thống là điều khó tránh. Khi đó thương hiệu của các nhà phân phối nhỏ sẽ dần bị triệt tiêu, còn hệ thống phân phối thương mại hiện nay ở VN có nguy cơ "rơi" vào tay những tập đoàn lớn.

Phải thay đổi để tồn tại
Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, ông Hoàng Thọ Xuân cho biết, Bộ Thương mại đang lập đề án chiến lược phát triển thương mại nội địa - phát triển hệ thống phân phối trên thị trường nội địa đến năm 2020, trong đó đặc biệt quan tâm đến giai đoạn 5 năm trước mắt với những giải pháp tạo ra bước chuyển căn bản của hệ thống phân phối nhằm tổ chức lại thị trường nội địa theo cấu trúc mới phù hợp với tình hình thực tế để phát triển thị trường nội địa nhanh, bền vững và lành mạnh.

Cũng theo ông Xuân, khó khăn hiện nay là các cơ sở kinh tế, kể cả các cơ sở pháp lý để phát triển thị trường nội địa của VN đang trong quá trình hoàn chỉnh. Sản xuất, lưu thông còn manh mún, cơ cấu liên kết sản xuất lưu thông chưa hoàn chỉnh trong khi muốn phát triển được thương mại nội địa, VN phải có những nhà phân phối lớn, có những kênh lưu thông ổn định...

Tuy nhiên, cũng đã có những nhà phân phối được coi "có tầm cỡ" của VN như G7 Mart, Cty TNHH Hoàng Anh Tuân, Sài Gòn Coop, Vinatex Mart, Tổng Cty Thương mại Sài Gòn... Theo ông Xuân, nếu VN có trong tay khoảng 15 - 20 nhà phân phối "ra nhà phân phối" biết liên kết chặt chẽ được với sản xuất, có hệ thống kho tàng lớn, có trong tay hệ thống bán buôn, có mạng lưới bán lẻ hiện đại, xây dựng chặt chẽ được hệ thống chân hàng từ gốc... thì có hội nhập thế này chứ hội nhập nữa cũng không hề lo lắng. (còn tiếp)

VN sẽ tự do hoá lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và nhượng quyền kinh doanh. Sau khi gia nhập WTO, các DN Mỹ trong lĩnh vực này được phép thành lập liên doanh với phía VN và từ 1.1.2009, các DN Mỹ được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Các DN phân phối có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được cung cấp cả các hàng hoá nhập khẩu và sản xuất trong nước. B.K.T (nguồn USTR)

Theo dòng sự kiện: Khi Việt Nam "chơi chung sân" WTO

>> Bài 1: Ngân hàng Việt Nam hậu WTO: Chấp nhận đối mặt với thách thức

>> Bài 2: Ngành viễn thông: Thách thức là hiện thực, cơ hội là tiềm năng

>> Bài 3: Hệ thống phân phối trước hội nhập: Cơ hội ít, nguy cơ đổ vỡ nhiều