Thay vì ban hành những quy định hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, Chính phủ nên đầu tư cho hệ thống ngân hàng phát triển các phương tiện thanh toán khác. Giao dịch tiền mặt vẫn là lựa chọn số một đối với số đông dân chúng, nếu cứ ép thực hiện, người dân và doanh nghiệp sẽ tìm cách "lách".
![]() |
Ngân hàng Nhà nước đang trưng cầu ý kiến về việc ban hành nghị định quản lý thanh toán tiền mặt. Nhấp chuột vào đây để tham gia. |
Dự thảo mới nhất nghị định về thanh toán bằng tiền mặt được đem ra lấy ý kiến rộng rãi sáng nay tiếp tục không nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành nghề. Văn bản này vẫn giữ nguyên một số quy định vốn đã vấp phải phản đối gay gắt trong các phiên thảo luận trước đó như tồn quỹ tiền mặt, hạn mức giao dịch bằng tiền mặt và đưa thêm danh mục các khoản chi được dùng tiền mặt để thanh toán.
Theo dự thảo, ngoài các khoản chi thuộc phạm vi sử dụng tiền mặt cho phép, các tổ chức có tài khoản khi thanh toán mua bán hàng hóa, dịch vụ với nhau, phải bằng các phương thức không dùng tiền mặt. Những khoản thanh toán nhỏ giữa các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước có thể được chấp nhận bằng tiền mặt nếu giá trị không quá 10 triệu đồng. Hạn mức này đối với các tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là 15 triệu đồng cho một khoản chi.
Lần chỉnh sửa mới này, ban soạn thảo đã nới tay hơn khi quy định về tồn quỹ tiền mặt, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước được tự ấn định mức tiền mặt tối đa mà đơn vị được phép giữ lại đến cuối ngày. Để đảm bảo các quy định về quản lý thanh toán bằng tiền mặt được chấp hành nghiêm túc trong đời sống, dự thảo nghị định còn trao quyền giám sát cho các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức được phép làm dịch vụ thanh toán sẽ phải có trách nhiệm giám sát việc chấp hành các khoản chi được phép dùng tiền mặt để thanh toán, hạn mức thanh toán bằng tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt định mức của các tổ chức có tài khoản tại đơn vị mình.
Đồng tình với việc ban hành nghị định quản lý thanh toán bằng tiền mặt, song Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Vũ Xuân Tiền lại kịch liệt phản đối các phương pháp quản lý đề ra trong dự thảo nghị định. Theo ông Tiền, để phù hợp với cơ chế hậu kiểm và từng bước nâng cao tính tự giác của các tổ chức sử dụng tiền mặt trong việc chấp hành luật pháp, ban soạn thảo chỉ nên quy định danh mục những khoản được phép chi bằng tiền mặt. Còn việc đặt ra hạn mức thanh toán bằng tiền mặt cũng như chỉ tiêu tồn quỹ kể trên không có cơ sở khoa học và không đủ sức thuyết phục. Nó không chỉ tạo kẽ hở để cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu các tổ chức sử dụng tiền mặt mà còn gián tiếp buộc các tổ chức này phải gian dối trong thanh toán.
Trên thực tế, việc quản lý thanh toán tiền mặt theo định mức và mệnh lệnh hành chính đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Từng làm kế toán trưởng suốt 16 năm liền từ thời kinh tế kế hoạch, ông Tiền khá sành sỏi về những chiêu đối phó với quy định tồn quỹ tiền mặt. Chẳng hạn, công ty chỉ được phép tồn quỹ 15 triệu đồng tiền mặt, nhưng trong quỹ đang có tới 20 triệu đồng; khi biết tin cán bộ ngân hàng đến kiểm tra, sẽ mau chóng viết giấy tạm ứng 5 triệu và giấu số tiền mặt đó đi để vờ như mình đảm bảo định mức tồn quỹ. Một ví dụ khác được ông Tiền nêu ra là với quy định chỉ được thanh toán bằng tiền mặt không quá 15 triệu đồng đối với mỗi khoản chi, người thanh toán có thể chia khoản chi 16 triệu đồng của mình thành hai lần, một lần 10 triệu và một lần 6 triệu đồng. "Các quy định có thực hiện được hay không phụ thuộc vào sự tự giác của doanh nghiệp, chứ quản lý chặt đến đâu cũng không kiểm soát được. Xin thưa, các bác có trăm mưu thì kế toán chúng em có nghìn kế đối phó. Các bác chẳng phát hiện ra được đâu", ông Tiền tếu táo nói.
Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Phùng Đắc Lộc thậm chí còn cho rằng, dự thảo mới nhất vẫn thể hiện một tư duy duy ý chí khi muốn dùng biện pháp quản lý nhà nước để hạn chế thanh toán tiền mặt. Theo ông Lộc, dự thảo nghị định còn bỏ sót nhiều đối tượng vốn là nguyên nhân chính tạo ra cầu tiền mặt rất lớn trong xã hội; phạm vi thanh toán được phép dùng tiền mặt cũng còn hạn hẹp, thiếu nhiều đối tượng, nhiều khoản chi... "Quy định về hạn mức thanh toán bằng tiền mặt là không hợp lý và khó có thể quản lý được. Đó là vi phạm quyền tự do, tự chủ kinh doanh của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, vi phạm luật doanh nghiệp và luật đầu tư. Nhiều khi chỉ vì sự trói buộc này mà làm mất cơ hội kinh doanh, mất cơ hội kiếm lời nhiều hơn. Việc thanh toán không dùng tiền mặt là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích, song không nên dùng biện pháp hành chính để can thiệp. Nếu cố tình làm sẽ ảnh hưởng xấu tới thi trường tiền tệ và tốc độ phát triển kinh tế", ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng như ông Tiền và ông Lộc, nhiều đại biểu tham gia tọa đàm sáng nay cho rằng, thay vì ban hành quy định chặt chẽ về quản lý thanh toán bằng tiền mặt, nên rà soát, sửa đổi những quy định về thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng, vốn còn nhiều bất cập và chưa đủ sức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nền kinh tế. "Theo tôi, không cần thiết phải có nghị định này. Thay vì ban hành nghị định quản lý thanh toán bằng tiền mặt, Chính phủ nên đầu tư cho ngân hàng phát triển các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thì hơn", Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Nguyễn Võ Liễu thẳng thắn đề xuất.
Bản thân đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng chưa thực sự yên tâm nếu ban hành nghị định quản lý thanh toán tiền mặt ngay thời điểm này. Ông Nguyễn Văn Bình, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu áp dụng các quy định quản lý thanh toán bằng tiền mặt vào thời điểm hiện nay, khi mà Tết Nguyên Đán đang tới gần, nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt vẫn rất lớn, sẽ nảy sinh nhiều bức xúc trong xã hội. Còn theo ông Tạ Quang Tiến, Cục trưởng Công nghệ tin học ngân hàng, việc quản lý thanh toán tiền mặt theo định mức và mệnh lệnh hành chính đã bỏ từ lâu, nay thực hiện lại e khó khả thi. Hơn nữa, thời bao cấp còn có hẳn một bộ phận chuyên trách quản lý tiền mặt nhưng số liệu thống kê thu được không bao giờ chính xác, nay quản lý tiền mặt rất phân tán, vì vậy sẽ khó hơn nhiều.
Theo dự kiến ban đầu, nghị định quản lý thanh toán bằng tiền mặt sẽ được ban hành ngay trong năm nay. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Chính phủ đã quyết định tạm thời ngừng ban hành để xem xét thêm. "Khi soạn thảo nghị định quản lý thanh toán tiền mặt, ta chưa có nghị định chống rửa tiền nên chưa có khuôn khổ để giám sát các giao dịch tiền mặt. Nay có nghị định đó rồi, đồng thời cân nhắc kỹ bối cảnh hiện tại, việc Chính phủ chưa ban hành là một quyết định chính xác và cần thiết. Nếu xét đến các cơ chế giám sát việc thanh toán tiền mặt hiện nay, cũng có thể không cần thiết ban hành nghị định này. Trên cơ sở ý kiến rộng rãi của công luận, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ xem xét có nên hay không nên ban hành nghị định", ông Tiến tuyên bố.
Song Linh
Theo dòng sự kiện: |
Thanh toán thẻ 'đắt' hơn tiền mặt (08/07) |
Thanh toán tiền mặt cản đường thẻ ngân hàng (16/03) |
Nâng hạn mức thanh toán bằng tiền mặt (01/10/2004) |
Khó kiểm soát việc thanh toán bằng tiền mặt (31/08/2004) |
Thắt chặt việc thanh toán bằng tiền mặt (30/08/2004) |
Xem tiếp» |
▪ Giấc mơ đổi đời tan theo xác con tôm (15/11/2005)
▪ Mất hàng tỷ đồng mỗi năm vì nạn câu điện trộm (15/11/2005)
▪ Sản xuất giống thủy sản trái quy định bị phạt tiền (15/11/2005)
▪ Quần áo, mỹ phẩm bán chạy dịp 20/11 (15/11/2005)
▪ Vietnam Airlines dậm chân ở vị trí 3 sao (15/11/2005)
▪ Những đoạn đường đắt nhất hành tinh (15/11/2005)
▪ Thủ công mỹ nghệ Việt phải hiểu cả văn hóa Mỹ (15/11/2005)
▪ Hàng không 'thoát' bồi thường chậm huỷ chuyến (15/11/2005)
▪ Làn sóng đầu tư mới của Đài Loan (14/11/2005)
▪ Đồng bằng sông Cửu Long An Giang, Đồng Tháp nhận bàn giao dự án khắc phục hậu quả lũ lụt (15/11/2005)