![]() |
Kiểm tra viên điện lực và đại diện chính quyền địa phương đang lập biên bản vi phạm sử dụng điện. |
Trong khi Chính phủ đang kêu gọi cả nước tiết kiệm điện thì một bộ phận khác lại sử dụng điện thoải mái, thông qua “1.001” mánh khóe câu điện trộm.
Trước đây, câu điện trộm chỉ có vài hình thức đơn giản như: câu trực tiếp từ trước điện kế vào sử dụng, khoan lỗ điện kế để đưa vật nhọn vào làm đĩa đo đếm của điện kế chạy chậm, đảo pha điện kế kết hợp với nguội ngoài... Còn gần đây, câu điện trộm đã được... số hóa.
Hiện nay, câu trộm điện trực tiếp từ trước điện kế là phương thức “cổ điển” nhất, dễ bị phát hiện nhất. Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp sử dụng lại phương thức này ở mức độ tinh vi hơn. Những hộ câu trộm điện này luôn cử người gác ngay điểm câu trộm điện. Nếu thấy bóng dáng của nhân viên điện lực từ xa, họ nhanh chóng phi tang. Còn theo tổ kiểm tra câu trộm điện của Điện lực Tân Thuận, hình thức đảo pha để câu trộm điện vẫn còn phổ biến ở khu vực này. Điển hình trường hợp của một hộ gia đình ở đường Nguyễn Thị Thập, Bình Thuận, quận 7, kết hợp đảo pha với nguội sườn nhà làm đĩa điện kế quay chậm. Hộ này phải truy nộp trên 32 triệu đồng đồng tiền sử dụng điện.
Theo ông Vòng A Lộc, Trưởng Phòng Quản lý Điện năng (Sở Công nghiệp TP HCM), gần đây, kỹ thuật câu trộm điện bằng máy tạo dòng đã trở nên phổ biến. Đây được coi là kỹ thuật hết sức tinh vi, đang được phổ biến hiện nay.
Ngày 12/10 vừa qua, Điện lực Tân Bình đã tiến hành kiểm tra sử dụng điện ở một hộ gia đình trên đường Nguyễn Trọng Tuyển. Khi các kiểm tra viên tiếp cận được với điện kế đã phát hiện ngay hộ này đang sử dụng máy tạo dòng để trộm điện. Trong tích tắc, thông số trên thiết bị phát hiện máy tạo dòng của đội kiểm tra cho biết máy tạo dòng tại đây đã ngưng hoạt động. Đó cũng là lúc một em bé của gia đình này đi vào nhà vệ sinh. Kiểm tra viên này lập tức đi vào nhà vệ sinh và phát hiện một điện thoại mà ống nghe đang bị treo rời với thân máy. Theo phản ứng thông thường, kiểm tra viên này liền đặt ống nghe trở lại vị trí bình thường. Đúng lúc đó, máy tạo dòng hoạt động trở lại.
Tại một nhà hàng ở Phú Mỹ, quận 7, Điện lực Tân Thuận đã phát hiện câu trộm điện bằng máy tạo dòng kết hợp điều khiển từ xa làm điện kế chạy chậm. Hộ này đã phải truy nộp hơn 78 triệu đồng tiền sử dụng điện trong thời gian qua.
Có không ít hộ, để chắc ăn kết hợp cả thô sơ với hiện đại như trường hợp một công ty TNHH trên đường Hoàng Diệu, quận 4. Hộ này bị truy thu tiền điện và tiền phạt hơn 100 triệu đồng do đảo pha điện kế, sử dụng nguội ngoài âm tường tại cốt sắt sân thượng, đấu vào máy tạo dòng làm đĩa điện kế ngưng quay.
"Bây giờ kỹ thuật câu trộm điện đã được số hóa. Vì vậy, việc phát hiện sẽ vô cùng khó khăn", ông Nguyễn Huỳnh Miền, Phó Giám đốc Điện lực Tân Bình than thở.
Hiện nay, đội quân tiếp thị máy trộm điện tiến hành chào hàng ở một số khu vực ở TP HCM. Theo kỹ sư Tống Trần Tín, Trung tâm Thí nghiệm Điện (Công ty Điện lực 2), thực chất máy tạo dòng là các máy ổn áp được đấu nối lại. Vì vậy, giá thực của các máy này chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng, nếu ở quy mô gia đình. Những hộ khi bị ngành điện phát hiện câu trộm điện bằng máy tạo dòng đều cho rằng đây là thiết bị tiết kiệm điện chứ không phải thiết bị câu trộm điện. Người bán máy tạo dòng không hề để lại địa chỉ, số điện thoại, vì vậy, đến nay vẫn chưa có người bán máy tạo dòng nào bị phát hiện và xử lý theo pháp luật. |
(Theo Người Lao Động)
▪ Giấc mơ đổi đời tan theo xác con tôm (15/11/2005)
▪ Làn sóng đầu tư mới của Đài Loan (14/11/2005)
▪ Đồng bằng sông Cửu Long An Giang, Đồng Tháp nhận bàn giao dự án khắc phục hậu quả lũ lụt (15/11/2005)
▪ Sẽ trao 20 cúp vàng cho các sản phẩm càphê tại "Festival càphê Buôn Ma Thuột" (15/11/2005)
▪ Cảng LPG Thị Vải - công trình quốc gia tồi tệ nhất (15/11/2005)
▪ Tin kinh tế (15/11/2005)
▪ Làm gì để thu hút đầu tư mạnh hơn? (15/11/2005)
▪ Cuộc đua lãi suất đến lúc nên dừng lại (15/11/2005)
▪ Hậu kiểm các DN sản xuất, lắp ráp ôtô: Kết quả không nghiêm (15/11/2005)
▪ Thích nộp phạt! (14/11/2005)