Dự thảo mới nhất Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi) bỏ quy định bắt buộc các hãng hàng không bồi thường tiền cho hành khách trong trường hợp chậm, huỷ chuyến. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đào Đình Bình giải thích, nếu "ép" các hãng, ngành hàng không trong nước sẽ thiệt hại rất lớn.
![]() |
Chậm, huỷ chuyến chỉ được bồi thường thiện chí. Ảnh: A.T. |
Các dự thảo trước có hẳn một quy định cụ thể: Hành khách đã được xác định chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc chậm chuyến do lỗi của người vận chuyển thì người vận chuyển có trách nhiệm trả ngay một khoản tiền cho hành khách. Mức tiền do Bộ trưởng Giao thông Vận tải quyết định. Trong khi đó, dự thảo luật mới lại ghi vỏn vẹn các hãng có thể quy định trong Điều lệ vận chuyển.
Đề cập đến thay đổi này, Bộ trưởng Bình cho biết các hãng hàng không của VN hiện rất thiếu phương tiện dự phòng, đội máy bay đều phải khai thác tối đa, khả năng cung ứng thiết bị phụ tùng khó khăn, vì thế khó có thể trách tình trạng chậm huỷ chuyến. Nếu đưa yêu cầu các hãng phải bồi thường bằng tiền vào luật thì hợp về đạo lý, nhưng khó khăn cho ngành hàng không.
Theo ông Bình, hiện nay duy nhất châu Âu có quy định chung cho tất cả các nước trong khu vực về việc đền bù cho khách hàng, nhưng các hãng tỏ ra không đồng tình và phàn nàn rất nhiều, mặc dù ở đó các hãng hàng không đã hoạt động rất lâu và có tiềm lực mạnh. Các nước xung quanh VN như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng không có quy định ngặt ngèo như vậy, nếu "siết" chặt bản thân hàng không VN sẽ thiệt vì không chỉ chở hành khách trong nước mà cả nước ngoài. Quy định về bồi thường chỉ cần đưa vào điều lệ hãng chứ không nên luật hóa.
Luật Hàng không dân dụng hiện hành không quy định việc bồi thường bằng tiền, do vậy các hãng mỗi nơi mỗi khác tự đề ra quy định ứng xử trong trường hợp chậm, hủy chuyến.
Đối với Pacific Airlines, trường hợp chậm trên 6 giờ, nếu hành khách không nhận dịch vụ sẽ được bồi thường 20-50 USD/người đối với chuyến bay quốc tế, 200.000 đồng/người với chuyến bay nội địa. Trong trường hợp hủy chuyến, hoặc chậm hơn 12 giờ (tuyến nội địa) và 24 giờ (quốc tế), hành khách có thể được bồi thường thiện chí bằng 25% giá vé. Vietnam Airlines cũng có điều lệ về bồi thường như lo ăn, ngủ cho hành khách chậm chuyến để họ bay chuyến sau. Tuy nhiên, thiệt hại của hành khách do chậm trễ sẽ được đền bù thế nào lại không được công bố rộng rãi, phần lớn khách không biết.
Nhiều hành khách cho biết họ không yêu cầu hàng không VN phải bồi thường bằng tiền cho các chuyến bay bị chậm hoặc huỷ, mà quan trọng là cư xử của hãng trong những trường hợp đó. "Nếu chậm, chỉ cần một lời xin lỗi với thái độ ân cần, giải thích cho đúng thì ai nỡ trách móc làm gì. Nhưng ngay việc đó hàng không VN cũng chưa làm được", bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội nhận xét.
Phong Lan
▪ Giấc mơ đổi đời tan theo xác con tôm (15/11/2005)
▪ Mất hàng tỷ đồng mỗi năm vì nạn câu điện trộm (15/11/2005)
▪ Sản xuất giống thủy sản trái quy định bị phạt tiền (15/11/2005)
▪ Những đoạn đường đắt nhất hành tinh (15/11/2005)
▪ Làn sóng đầu tư mới của Đài Loan (14/11/2005)
▪ Đồng bằng sông Cửu Long An Giang, Đồng Tháp nhận bàn giao dự án khắc phục hậu quả lũ lụt (15/11/2005)
▪ Sẽ trao 20 cúp vàng cho các sản phẩm càphê tại "Festival càphê Buôn Ma Thuột" (15/11/2005)
▪ Cảng LPG Thị Vải - công trình quốc gia tồi tệ nhất (15/11/2005)
▪ Tin kinh tế (15/11/2005)
▪ Làm gì để thu hút đầu tư mạnh hơn? (15/11/2005)