Cả một dải cát ven biển miền Trung chuyển mình bởi các dự án nuôi tôm trên cát. Giấc mơ đổi đời của người dân nhanh chóng tan biến... Mất mùa, tôm gặp bệnh chết liên tiếp để lại bao nhiêu điều cay nghiệt cho vùng cát trắng miền Trung.
![]() |
Các ao nuôi tôm trên cát nằm liền kề nhau. Tất cả đều vắng lặng |
Ông Hồ Cậy, bí thư xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Phong Hải (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) - nơi từng có nhiều người thực hiện giấc mơ đổi đời nhờ nuôi tôm, cho biết, trong xã chỉ còn mỗi ao của ông Lê Văn Tốc (thôn Hải Thành) là chưa bỏ trống, nhưng cũng không còn nuôi tôm sú mà đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
“Hễ nhà nào nuôi tôm là có nợ, người nuôi tôm dọc theo vùng đầm phá Tam Giang này nhà nào còn giữ được sổ đỏ trong nhà coi bộ hơi hiếm. Người ta đem cầm nợ cho ngân hàng cả rồi”, ông nói.
Không riêng gì Thừa Thiên Huế, một số vùng đất cát thuộc các tỉnh ven biển miền Trung, cũng gặp cảnh tương tự. Xã Phước Dinh (tỉnh Ninh Thuận) từng một thời được mệnh danh là “vùng đất hứa”, nơi có 250 ha nuôi tôm trên cát với năng suất lên đến 8-10 tấn/ha. Giờ đây, vết tích còn lại chỉ là một vùng đồi cát nhấp nhô và trơ trụi, không một bóng cây. Dưới cái nắng gắt như rang, từng cơn gió cuốn bụi mù mịt. Phần lớn các ao đều bỏ không, trơ đáy. Các tấm bạt lót bằng nilon đang nứt ra và dần bị cát che phủ.
Các lớp mùn thải đen ngòm ở đáy ao đang bốc mùi hôi tanh, một vài dụng cụ nuôi tôm như quạt nước, ống dẫn nước còn bỏ sót cạnh hồ. Thẳng góc với các ao là các rãnh nhỏ dẫn chất thải ra biển.
Ông Võ Bảy, từng là chủ hộ nuôi tôm ở thôn Bàu Ngứ (nơi có nhiều hộ từng làm nghề nuôi tôm) cho biết, ở xã này nhà nào cũng nợ, nhiều hộ trắng tay đã bỏ đi làm ăn xa hết rồi.
Trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều tỉnh duyên hải miền Trung, con tôm được xem như là “con mũi nhọn” để làm giàu cho một vùng đất. Nhiều tỉnh đã coi đây như là một biện pháp hữu hiệu để làm giàu cho tỉnh. Trong hầu hết chiến lược phát triển của các tỉnh ven biển miền Trung, nuôi tôm trên cát được nhắc đến rất nhiều. Ở Quảng Bình, quy hoạch nuôi tôm trên cát do tỉnh đứng ra làm. “Mở rộng diện tích, tăng vốn đầu tư cho các dự án nuôi tôm trên cát” được đưa vào nghị quyết của tỉnh. Các chiến lược phát triển trên đã được sự ủng hộ tích cực của Viện Kinh tế và quy hoạch của Bộ Thủy sản. Theo tính toán mà viện này đưa ra, vùng cát của các tỉnh ven biển miền Trung thuộc vùng bãi ngang, đều hoang sơ chưa có vết tích của sản xuất công nghiệp nên môi trường nước biển rất sạch, lý tưởng cho việc nuôi tôm. |
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một số vùng thuộc tỉnh Quảng Bình
. Anh Võ Hậu, người dân xã Hải Ninh, Quảng Bình khoe: “Nhờ nuôi tôm trên cát mà đường về xã được xây dựng đẹp”. Thế nhưng, dọc con đường trải dài từ Hải Ninh về đến Nhơn Trạch, một bên là biển, bên còn lại là các hàng rào trải dài bao quanh các ao nuôi tôm.Anh Hậu cho hay, mấy năm trước Hải Ninh chỉ là một xã đảo, cây cối mọc um tùm hoang sơ. Khi phong trào nuôi tôm trên cát nổi lên, cả một vùng trồng dương 200ha đã bị đào trốc hết. Song “sự hi sinh” chỉ được một thời gian thì dần dần các vùng đất nuôi tôm đi vào hoang vắng.
Thậm chỉ ngay tại Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản xuất khẩu Bảo Ninh, nơi có diện tích nuôi trồng lên đến 31 ha cũng không khá khẩm hơn. Ông Đinh Xuân Quang, Giám đốc xí nghiệp than vắn thở dài về chuyện tôm bệnh, tôm chết. Ông cho biết, một số ao trên cát của công ty phải chuyển sang nuôi cá xen kẽ với nuôi tôm. Thế nhưng kết quả cũng thất thường, nhiều khi gần đến ngày thu hoạch cá đột nhiên chết nguyên ao.
Tại Tuy Phước, huyện được xem là có diện tích nuôi tôm trên cát lớn nhất tỉnh Bình Định với diện tích nuôi là 1.000 ha cũng đang chịu cảnh vắng lặng lạ lùng. Ông Trần Biểu, ngư dân nuôi tôm dạn dày kinh nghiệm, cho biết, hiện đã vào vụ nhưng chỉ có 1/3 diện tích được thả. Ông than: “Nuôi tôm dạo này kiệt lắm, giá rớt, giống tôm không đảm bảo. Làm nghề cứ thấy bấp bênh, nhiều người đã lỗ trắng tay rồi”.
Ông Nguyễn Viết Từ, Phó chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) than thở: “Hồi đó chúng tôi nằm mơ cũng không nghĩ đến được chuyện đời sống người dân có thể thay da đổi thịt nhanh đến vậy. Chỉ mới mấy năm trước, tôm sú được xem là cứu cánh cho người dân ven biển thoát nghèo. Không chỉ có dân lao vào nuôi tôm, cán bộ xã hầu như người nào cũng nuôi. Thế nhưng ba năm trở lại đây của cải của nhiều nhà cũng từ đó đội nón mà đi. Dân mang nợ mà cán bộ xã cũng mang nợ, nợ đầm đìa”.
Anh Nguyễn Minh Tâm, cán bộ khuyến ngư của xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định), cho hay hầu như người dân ở vùng nuôi tôm tại đây đều nợ ngân hàng. Chỉ riêng xã Phước Hòa, dân nợ ngân hàng lên đến 20 tỷ đồng, nhiều hộ không còn khả năng để trả nợ.
Con số thống kê của Ngân hàng đầu tư và phát triển tỉnh Ninh Thuận cũng cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 1.000 hộ nuôi tôm đang nợ với tổng số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng. Theo UBND xã Hòa Hiệp Nam (huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), năm nay, 200 hộ nuôi tôm ở xã lại bị rớt mùa. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp nuôi tôm bị mất mùa, nợ Ngân hàng Đầu tư và phát triển tỉnh đã lên đến 4 tỷ đồng, trong đó nhiều hộ không có khả năng trả nợ. Các hộ nuôi tôm sú tại sông Bàn Thạch (Tuy Hòa) cũng nợ ngân hàng 120 tỷ đồng.
Nợ nần chồng chất nhưng nhiều người “đã phóng lao thì phải theo lao”, vẫn còn nuôi chút hi vọng... Ông Lê Văn Tốc, xã Quảng Công (Thừa Thiên Huế), cho biết thua liên tiếp ba vụ, trong nhà còn mỗi chiếc xe máy cũng đem cầm nốt đế lấy tiền mua con giống. Ông nói: “Mỗi lần thả con giống xuống ao chỉ cầu mong ngang vốn, tôm không chết đã là may lắm rồi. Có tôm bán mới lấy tiền trả nợ ngân hàng và vay tiếp để mần ăn”.
Cứ thế, con tôm trên cát vẫn đang còn tiếp tục gây khốn đốn cho người dân chân chất với giấc mơ đổi đời...
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Làn sóng đầu tư mới của Đài Loan (14/11/2005)
▪ Đồng bằng sông Cửu Long An Giang, Đồng Tháp nhận bàn giao dự án khắc phục hậu quả lũ lụt (15/11/2005)
▪ Sẽ trao 20 cúp vàng cho các sản phẩm càphê tại "Festival càphê Buôn Ma Thuột" (15/11/2005)
▪ Cảng LPG Thị Vải - công trình quốc gia tồi tệ nhất (15/11/2005)
▪ Tin kinh tế (15/11/2005)
▪ Làm gì để thu hút đầu tư mạnh hơn? (15/11/2005)
▪ Cuộc đua lãi suất đến lúc nên dừng lại (15/11/2005)
▪ Hậu kiểm các DN sản xuất, lắp ráp ôtô: Kết quả không nghiêm (15/11/2005)
▪ Thích nộp phạt! (14/11/2005)
▪ Phạt... nhầm! (15/11/2005)