Không lặp lại tình trạng nợ lương
Các Website khác - 01/10/2005
Tăng lương từ 1.10:
Không lặp lại tình trạng nợ lương

Hôm nay là thời điểm thực hiện lương mới theo quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên, không ít người thuộc đối tượng được hưởng lương mới vẫn tỏ ra hoài nghi về tiến độ chi trả lương theo đúng kế hoạch. Các bước chuẩn bị cho việc chi trả lương mới đã thực hiện được đến đâu? Liệu tình trạng "nợ lương" có còn tiếp diễn? Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lao Động xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết đến thời điểm này nguồn chi chênh lệch do lương mới đã được chuẩn bị sẵn sàng chưa?

- Theo Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đã trình Hội nghị Trung ương 8, Quốc hội đã tính đến việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung vào thời điểm 1.10.2005. Do vậy, trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2005, Quốc hội đã quyết định dành 20.500 tỉ đồng để có nguồn thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP cả năm 2005 và Nghị định 118/2005/NĐ-CP trong quý IV/2005.

Tuy nhiên, theo Nghị định 118/2005/NĐ-CP ngày 15.9.2005 thì từ 1.10.2005 mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh từ 290.000 đồng/tháng lên 350.000 đồng/tháng và Nghị định 117/2005/NĐ-CP ngày 15.9.2005 thì từ 1.10.2005 điều chỉnh tăng lương hưu ở mức cao hơn, so với dự kiến của đề án. Do vậy, Bộ Tài chính đang dự kiến trình Chính phủ để trình UBTVQH cho sử dụng một phần tăng thu ngân sách nhà nước năm 2005 để có thêm nguồn thực hiện.

- Theo ông, việc thực hiện lương mới lần này liệu có tiếp tục lặp lại sự chậm trễ và tình trạng nợ lương mới, liệu có tiếp diễn?

- Thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu lần này có nhiều thuận lợi (Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2005/NĐ-CP khá sớm, việc xác định nhu cầu chi tiền lương tăng thêm do tăng lương tối thiểu sẽ đơn giản hơn so với việc xác định nhu cầu tăng lương do thay đổi quan hệ tiền lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ,...). Do vậy, tình hình chậm trễ trong việc thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ được khắc phục về cơ bản.

- Nhiều ý kiến cho rằng đối với các địa phương có thuận lợi về số thu ngân sách, việc trích 50% ngân sách tăng thu để chi cho lương mới là không khó khăn. Còn những địa phương có khó khăn, Bộ Tài chính có hướng giải pháp gì không?

- Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương được ổn định nguồn thu và nhiệm vụ chi từ 3-5 năm (ổn định tỉ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương).

Như vậy, khi tăng thu ngân sách nhà nước hàng năm trên địa bàn, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều được hưởng phần tăng thu thêm. Do đó ngân sách địa phương có nguồn để cùng ngân sách trung ương lo nguồn đảm bảo nhu cầu chi tăng lên, do thay đổi chế độ tiền lương.

Đối với những địa phương có khó khăn, sau khi đã sử dụng 50% số tăng thu và các nguồn khác theo quy định (10% tiết kiệm chi thường xuyên, 35-40% số thu của các đơn vị sự nghiệp), nếu vẫn còn thiếu nguồn so với nhu cầu chi tiền lương tăng thêm, sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ để có đủ nguồn thực hiện.

- Tăng lương cũng là tăng thêm một gánh nặng cho DN. Trong bối cảnh giá nguyên, nhiên liệu đầu vào hầu hết đều tăng, DN sẽ lại khó khăn thêm. Bộ Tài chính có chính sách gì để hỗ trợ?

- Chi phí tiền lương là một yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh, có hai mặt tác dụng; một mặt làm tăng chi phí của DN; một mặt khác có tác động tích cực đến nguồn lao động; góp phần tác động tích cực đến năng suất chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Các DN cần khai thác mặt tích cực nêu trên của chính sách tiền lương, đồng thời thực hiện các biện pháp tích cực để giảm chi phí và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, để có nguồn đảm bảo chế độ tiền lương cho người lao động.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Hằng thực hiện