Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B: Phải đập bỏ nhiều hạng mục
Các Website khác - 09/09/2005
Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B (Quảng Ninh):
Phải đập bỏ nhiều hạng mục
Vương Hà - Ngọc Duy

Đáy bể nước đang được phá bỏ
chiều 8.9.
Như Lao Động số 248/2005 ra ngày 8.9 đã đưa, một số hạng mục trong dự án khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh B, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh ở một số hạng mục đã sử dụng thép gỉ và nước bị nhiễm mặn cho một vài hạng mục. Ngay ngày 8.9, một số hạng mục này đã được các bên giám sát, chủ đầu tư và thi công nhất trí phá dỡ để làm lại.

QL dự án 1 Quảng Ninh - đơn vị giám sát dự án - cùng với chủ đầu tư là Cty xây dựng số 1 (TCty Xây dựng Hà Nội) và các đơn vị thi công đã lập biên bản khẳng định việc thi công không đúng quy trình và có một số sai sót, nên phải phá bỏ 28m3 bêtông phần móng (diện tích 8x16m) của một bể nước 200m3 và phá một đoạn bêtông rãnh thoát nước (1,5x1,2m).

Lý do, cả hai hạng mục này các đơn vị xây dựng tranh thủ lúc trời hửng nắng để thi công, dù chưa được sự nhất trí của tư vấn giám sát.

Điều đáng nói là, các đoạn thép chờ (dài khoảng 80 phân) của rãnh thoát nước vì cả tháng ở ngoài trời nên đã bị gỉ sét, nhưng không được làm sạch vẫn được ráp nối sử dụng. Cũng tại hạng mục này, đơn vị thi công đã sử dụng nước có nhiễm mặn để sử dụng... trộn bêtông. Đây là những vấn đề cấm kỵ trong xây dựng.

Còn với hạng mục đáy bể nước, tuy sắt làm móng không bị gỉ sét, nhưng vì phần móng chưa được tư vấn giám sát nghiệm thu nên cũng phải đập bỏ. Tại hạng mục này, điều đáng tiếc nhất là cán bộ giám sát hôm đó dù biết việc đổ bêtông như vậy là không đúng quy trình, tuy lập biên bản đình chỉ nhưng vẫn để đơn vị thi công tiếp tục... đổ bêtông.

Dự án khu đô thị này chỉ là một trong gần ba chục dự án lấn biển của UBND tỉnh Quảng Ninh tới cả nghìn hécta, với hàng trăm tỉ đồng đầu tư của nhiều chủ đầu tư. Theo chúng tôi, vấn đề quan trọng là dự án lấn biển (theo chủ trương lớn của Quảng Ninh) được thực hiện như thế nào.

Theo những gì chúng tôi thu thập được từ cơ quan chức năng, tiến độ thực hiện các dự án rất chậm so với dự án được duyệt; các dự án đầu tư hạ tầng trên phần diện tích được thanh toán cho các nhà đầu tư chưa thực hiện trình duyệt và dự toán, nhưng đã tổ chức thi công; một số dự án thực hiện theo phương án giao đất có thu tiền sử dụng đất chưa có thiết kế kỹ thuật và dự toán, nhưng nhà đầu tư vẫn cho thi công san lấp mặt bằng dẫn đến chất lượng không đảm bảo; thiết kế đường nội bộ các khu đô thị hầu hết không xử lý nền đất yếu mà chỉ được đặt trên lớp đất san nền đầm chặt; một số kè chắn đường taluy đường biển thiết kế chưa chuẩn, hậu quả đường ôtô ra đảo Tuần Châu, đường Hạ Long, đường bao biển Lán Bè - Cột 8 đều bị hỏng do cơn bão số 2 vừa qua...

Nguyên nhân chính là một số nhà đầu tư còn hạn chế về chuyên môn và quản lý, nguồn vốn đầu tư phần lớn còn trông chờ vào việc ứng trước vốn của nhà thầu và việc huy động góp vốn của các tổ chức cá nhân có nhu cầu chuyển quyền sử dụng đất...