Lắp dải phân cách trên cầu Thăng Long: Cần, nhưng tốn kém
Các Website khác - 17/10/2005
Lắp dải phân cách trên cầu Thăng Long: Cần, nhưng tốn kém

Cả tuyến đường Thăng Long - Nội Bài có dải phân cách, song riêng đoạn qua cầu Thăng Long các xe cứ vô tư lấn luồng. Với lưu lượng gần 7.000 xe ôtô và 70.000 xe máy qua cầu một ngày đêm, cầu Thăng Long có thể xem như có nguy cơ xuất hiện "điểm đen" về ATGT. Chính vì vậy Khu quản lý đường bộ II thuộc Cục Đường bộ VN đang chuẩn bị lắp đặt dải phân cách trên cầu. Tuy nhiên chi phí cho việc này có vẻ tốn kém.

Ôtô, xe máy thường xuyên lấn
luồng trên cầu Thăng Long.
Lá thư của ngài đại sứ

Xin trích một phần nội dung bức thư gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình của ông Hattori - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN để bạn đọc có thể hình dung nguy cơ TNGT treo lơ lửng trên đầu những người thường đi qua cầu Thăng Long.

Bức thư viết: "Có rất đông khách tới từ Nhật Bản đi lại trên tuyến đường từ sân bay Nội Bài qua cầu Thăng Long về thành phố Hà Nội. Đây cũng là tuyến đường vô cùng quan trọng với những người hàng ngày đi làm tại các KCN Thăng Long, Nội Bài, lưu lượng giao thông trên tuyến đường này rất lớn. Song trên cầu Thăng Long lại không có dải phân cách, nên có rất nhiều xe máy vượt và lấn sang làn đường ngược chiều. Điều này vô cùng nguy hiểm, đặc biệt vào buổi tối.

Tôi đã nghe rất nhiều người Nhật Bản kêu khổ về việc này. Tôi nghĩ chắc không chỉ người Nhật Bản, mà những người nước ngoài khác đều thấy bất an. Vì vậy tôi tha thiết đề nghị ngài sẽ chỉ đạo để sớm có biện pháp giải quyết. Ví dụ không cần xây dải phân cách bằng bêtông mà chỉ đặt dải phân cách đơn giản".

Trên thực tế, đã có nhiều TNGT thương tâm xảy ra do các xe lấn luồng ngược chiều đâm vào nhau. Có vụ đến 4 người thiệt mạng. Vì vậy lo ngại của ngài Đại sứ Nhật Bản là hoàn toàn chính xác.

Thận trọng
Bức xúc của những người tham gia giao thông trên cầu Thăng Long đã được Bộ GTVT tháo gỡ bằng dự án lắp dải phân cách ở trung tâm cầu bằng vật liệu composit. Trên thực tế dải phân cách có các ưu điểm như nhẹ, độ bền cao chịu va đập và có thể di chuyển dễ dàng khi cần.

Mặt khác do trên cầu cần chú ý đến tải trọng nên dải phân cách bằng composit nhẹ hơn, không ảnh hưởng đến sức chịu tải của cầu. Trên thực tế, dải phân cách composit chỉ được lắp đặt trên khoảng 1.700m cầu chính, còn hơn 1.400m cầu dẫn hai đầu sẽ được lắp dải phân cách bằng bêtông như trên tuyến đường.

Tuy nhiên tổng mức đầu tư cho dự án cũng lên tới khoảng 8 tỉ đồng, bởi chi phí cho một mét dải phân cách composit gấp 3 lần dải phân cách bêtông. Hiện Khu QLĐB II dự kiến sẽ lắp đặt thử nghiệm dải phân cách trong tháng 11.

Có ý kiến cho rằng thay vì lắp dải phân cách tốn kém, có thể đặt camera theo dõi và xử phạt các xe vi phạm. Bởi trên cầu có vạch phân cách liền, theo Luật GTĐB các phương tiện tuyệt đối không được đè vạch lấn luồng. Đây cũng là một cách rèn luyện ý thức tự giác chấp hành luật của người tham gia giao thông.

Mặt khác, một câu hỏi đặt ra việc đặt dải phân cách liệu có làm dòng xe chuyển động trên cầu bị chậm lại, hoặc ùn tắc vì xe máy thường chiếm mất một luồng đường? Thêm nữa thực tế luồng cầu sẽ bị hẹp hơn bởi dải phân cách chiếm mất gần một mét bề rộng của cầu.

Ngoài ra có thể sử dụng loại dải phân cách nào khác mà chi phí không quá cao như dải phân cách composit? Có lẽ Cục ĐBVN và Bộ GTVT cũng nên xem xét những câu hỏi này, để việc lắp đặt dải phân cách trên cầu Thăng Long thực sự hiệu quả.

Bích Liên