Lùi thời điểm áp dụng điều chỉnh lương trong DN nước ngoài
Các Website khác - 24/09/2005
Điều chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Phải lùi thời điểm áp dụng

Quang Duy

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Liên
doanh SX hàng may mặc Hàn Quốc
- VN, tại Nam Định.

Sáng 23.9, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã lấy ý kiến về 2 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu trong DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại VN. Theo đề án này, mức lương sàn sẽ là 45 - 55USD/người/tháng. Tuy nhiên, các DN đều đặt câu hỏi: Việc điều chỉnh này có thực sự kích thích lao động, thu hút chất xám như mong muốn không?


Tiền công thực tế đã tăng 25 - 35%
Mức lương tối thiểu tại các DN FDI đang áp dụng theo quy định từ năm 1999: Không thấp hơn 626.000đ (tương đương 45USD) - 556.000đ (40USD) - 487.000đ (35USD) tuỳ theo từng vùng. Quy đổi này cho đến nay cũng vẫn tính theo tỉ giá năm 1999, chứ không phải là mức hiện hành. Tuy nhiên, tiền công thực tế trên thị trường từ năm 2000 đến nay đã tăng 25 - 50% tùy theo vùng, các chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 25%, giá lương thực, thực phẩm cũng cao hơn tới 40%.

Mặt bằng lương tối thiểu của một số nước trong khu vực, như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc cũng cao hơn VN. Do đó, Bộ LĐTBXH đã đưa ra 2 phương án điều chỉnh tăng tiền công lao động lên 55USD - 50USD - 45USD, áp dụng từ 1.1.2006.

Mức lương này, ngoài mục đích cập nhật thời giá, cũng nhằm đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động giữa các loại hình DN. Bởi chủ trương đến năm 2008, sẽ thống nhất chung mức lương tối thiểu tại cả 5 loại hình DN.

Lương mới, cao hay thấp hơn?
Ông Cấn Văn Minh - phụ trách quản lý lao động Khu CN chế xuất HN, đồng thời cũng là Chủ tịch Công đoàn khẳng định: "Khá nhiều DN trong khu CN trả lương tối thiểu chỉ từ 620.000 - 640.000đ/tháng như Canon, Denso... Lương thấp là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ đình công. Đối với NLĐ như CN ở các khu CN thì được trả thêm vài chục ngàn đồng, cũng không là... chuyện nhỏ".

Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng GĐ Cty liên doanh sứ vệ sinh Vinax Ngô Thiệu Vỹ cho biết: "Các DN FDI Nhật Bản thường "nhìn nhau" mà trả lương cho NLĐ. Hiện nay, NLĐ ở Cty chỉ được nghỉ 1 thứ 7/tháng. Cán bộ, công nhân đều kiến nghị được nghỉ 2 thứ bảy/tháng. Ban GĐ Cty này cũng quan sát mãi, so sánh xem tỉ lệ DN được nghỉ 2 thứ bảy có thực sự "áp đảo" hơn không, rồi mới quyết".

Với tiêu chí nâng cao lương đi đôi với chất lượng lao động, luồng ý kiến khác trong hội nghị cũng cho rằng, trước khi điều chỉnh lương, cần điều tra cụ thể mức lương hiện hành, nhất là trong khu vực da giày, dệt may, gia công. Bởi đây là những ngành nghề đang "sở hữu" nhiều nhân công lao động.

Theo Hiệp hội Xúc tiến mậu dịch nước ngoài, chất lượng, năng suất lao động công nhân TQ gấp 1,4 - 1,5 lần lao động VN, nhưng họ cũng hưởng mức lương tối thiểu là 70 USD/tháng. Do đó, ông Đào Nguyên Phụng - Phó Tổng GĐ LS - Vina Cable đã đề nghị: "Để tạo được sự đồng thuận giữa các DN, Bộ LĐTBXH cần có điều tra cụ thể về bức tranh thu nhập của NLĐ trong các DN FDI, chứ không nên so sánh một cách khập khiễng về mặt số học với các nước trong khu vực, mặc dù thời điểm gia nhập WTO đã gần. Có quy định mới về lương, DN sẽ chấp hành ngay, nhưng liệu điều này có làm triệt tiêu của NLĐ những khoản trợ cấp, vốn có tác dụng kích thích lao động như hiện nay không".

Trước bài toán lương phức tạp này, ông Phạm Minh Huân - Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công, Bộ LĐTBXH cho rằng: "Có thể phải lùi thời điểm ban hành chính thức quy định điều chỉnh mới này. Theo hiến kế của nhiều DN trong hội nghị, ngay trong chiều 23.9, bộ sẽ gửi công văn cho các chủ đầu tư thăm dò ý kiến về vấn đề này, để có thể sớm đưa ra một phương án có lợi nhất cho cả hai giới chủ - công nhân.

Ngành lao động da giày, dệt may, gia công xuất khẩu là những khu vực trả lương cho hàng triệu công nhân và được coi là khu vực "nhạy cảm" nhất về chế độ tiền lương. Ban tổ chức hội thảo rất trông đợi ý kiến góp ý từ các nhóm ngành này, nên đã mời một số DN da giày tham gia hội thảo, nhưng rất tiếc đã không đại diện nào có mặt, hoặc có ý kiến.