Tiết kiệm điện: Phải bàn thêm Cẩm Văn
Sau TCty Điện lực VN, đến lượt Bộ Công nghiệp đang phải gấp rút hoàn thiện một đề án nhằm thực hiện các giải pháp cấp bách tiết kiệm cho các năm 2006-2010. Song ngay từ đầu, không ít đề xuất gặp phải những luồng dư luận trái chiều. Trước mắt, EVN đặt mục tiêu hoàn thành chương trình lắp đặt 1 triệu bóng đèn compact trước thời hạn 1 năm (vào 30.6.2006) và tăng thêm số đèn sẽ lắp bằng số vốn còn dư. Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ loại bóng này, đặt chỉ tiêu mỗi năm thị trường trong nước tiêu thụ đến 1-1,5 triệu bóng đèn compact và 2-3 triệu bóng đèn tuýp "gầy". Song nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp trên sẽ rất khó mang lại hiệu quả, nếu không có một chế tài kiểm tra, xử phạt riêng và đủ mạnh. EVN khi xây dựng giải pháp cắt giảm bóng điện tại các công sở cũng chỉ kiến nghị các bộ, ngành giao định mức tiêu thụ điện hàng tháng cho các cơ quan trực thuộc theo chỉ tiêu tiết kiệm 10%. Một lãnh đạo của EVN khẳng định, các giải pháp trên chỉ có thể thực hiện được khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công nghiệp với các địa phương và các bộ ngành khác. Trong lúc chờ đợi sự phối hợp, biện pháp gay gắt nhất mà EVN đưa ra đối với các khách hàng không thực hiện tiết kiệm là cắt điện luân phiên hay cắt điện bù trừ. Vụ KHCN mạnh dạn đề xuất chỉ sử dụng bóng đèn compact, đèn tuýp gầy công suất 18-36W khi thay thế đèn sợi tóc và đèn tuýp béo công suất lớn 20-40W ngay từ 1.10 tới đây. Xa hơn, Vụ kiến nghị đến hết 2006 ngừng sản xuất toàn bộ bóng đèn sợi đốt và bóng đèn tuýp béo trong nước, tiến tới cấm hoàn toàn việc nhập khẩu loại bóng có công suất 20-40W này. Dẫu vậy, cả hai đại gia trong ngành sản xuất bóng đèn là Cty bóng đèn và phích nước Rạng Đông (Cty BĐPN Rạng Đông) và Cty bóng đèn Điện Quang đều cho rằng, cần xem lại việc ngừng sản xuất cũng như cấm nhập khẩu các loại bóng trên. Ông Nguyễn Toàn Thăng - GĐ Cty Rạng Đông khẳng định, trong lúc nhu cầu sử dụng của người dân vẫn có, việc dừng sản xuất và cấm nhập khẩu loại đèn sợi đốt là không thể được và sẽ kéo theo tình trạng nhập lậu. Cty Điện Quang hiện cho giảm mạnh lượng sản xuất đèn sợi đốt. Song theo Phó Giám đốc Hoàng Văn Nhượng, đèn compact được sản xuất và thử nghiệm trong điều kiện điện áp ổn định, tuổi thọ cao nên tại những vùng sâu, vùng xa, đèn sợi đốt sẽ chiếm lợi thế hơn khi điện áp chỉ đạt thấp 160-180V. Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải đồng ý với nhận định không thể chấm dứt sản xuất đèn sợi đốt khi người dân vẫn có nhu cầu. Bởi vậy, giải pháp tiết kiệm điện bằng đèn compact vẫn cần được tính toán, cân nhắc lại. Nên luân phiên bật đèn đường * Ông Đinh Ngọc Hứa (trú tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy): "Để tiết kiệm điện, quan trọng nhất vẫn là ý thức". Tìm các giải pháp để tiết kiệm điện là một việc nên làm, nhưng tiết kiệm bằng bóng đèn compact nên bàn thận trọng. Tôi biết rằng, không những giải pháp này có lợi ích về kinh tế, mà còn có lợi ích về môi trường. Nhưng việc nhập khẩu để thay thế 20 triệu bóng đèn trên cả nước thì nên cân nhắc kỹ, vì nếu loại bóng này gặp trục trặc là chúng ta sẽ rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang". Riêng cá nhân tôi nhận thấy, bóng đèn compact không sáng bằng bóng đèn sợi đốt, đây cũng là một lý do khiến gia đình tôi e ngại khi dùng loại bóng này. Việc tắt những thiết bị không cần thiết vào lúc cao điểm tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Do vậy, để tiết kiệm điện cần phải có một kế hoạch đầu tư "dài hơi" cho việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân. Vì để tiết kiệm điện, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người sử dụng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, điều tất yếu là chi phí cho việc sản xuất điện sẽ thay đổi, nên giá điện phải tăng là một điều tất yếu. Mặt khác, giá điện tăng sẽ là một biện pháp đánh vào túi tiền của người sử dụng, để từ đó họ có ý thức hơn về tiết kiệm điện. Tất nhiên, trong việc tăng giá điện, nếu Nhà nước bù lỗ được cho dân là một điều tốt, nhưng Nhà nước cũng không thể "gánh" mãi được vì ngân sách có hạn. Nhưng khi tăng, cần phải cân nhắc xem nên tăng như thế nào, tăng bao nhiêu, và phải cân đối với đời sống của người dân. Trong lúc giá cả mọi thứ đều tăng, mà thu nhập của đại bộ phận người dân chưa tăng thì cần phải tính kỹ, nếu không thì sẽ rơi vào tình trạng "Trăm giá đổ lên đầu dân". Lê Ngọc Sơn ghi |
▪ 100 triệu USD cho bể chứa xăng dầu lớn nhất nước (23/09/2005)
▪ Phú Yên: Cá mú giống xuất hiện dày đặc ven biển (23/09/2005)
▪ 6 chủ tàu xa bờ viết đơn xin trả lại tàu để bán thu hồi nợ (23/09/2005)
▪ 13 ngân hàng VN phải ứng dụng dịch vụ đánh giá và kiểm tra an ninh mạng (23/09/2005)
▪ Tháng 11: Hội chợ quốc tế nữ trang Việt Nam (23/09/2005)
▪ Sẽ ký Hiệp định vận tải đường bộ giữa VN và Campuchia (23/09/2005)
▪ Viettel có phạm "luật chơi"? (23/09/2005)
▪ "Mẹ - con": Phải thực sự cần nhau (23/09/2005)
▪ Vàng tăng giá kỷ lục trong vòng 18 năm qua (23/09/2005)
▪ Sợ mất... độc quyền? (23/09/2005)