Ngân hàng VN "hậu" WTO: Chấp nhận đối mặt với thách thức
Các Website khác - 14/06/2006
Khi Việt Nam "chơi chung sân" WTO:
Ngành nào phải "so găng" gay cấn nhất?

Mặc dù phía VN chưa chính thức công bố các cam kết vừa đạt được với Mỹ về việc VN gia nhập WTO, nhưng theo Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR), các cam kết về tiếp cận thị trường VN cho thấy một loạt ngành hàng, dịch vụ mà VN sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các đối tác Mỹ.

Dĩ nhiên, những cam kết với Mỹ chưa hẳn đã bao trùm các cam kết của VN với WTO, nhưng những yêu cầu và đòi hỏi của Mỹ là rất cao, vì thế cũng có thể coi đây chính là những lĩnh vực phải cạnh tranh gay gắt nhất khi VN chơi chung sân WTO.

Vậy các ngành này đã nhận thức nguy cơ trên như thế nào và chuẩn bị hành trang cho cuộc đọ sức này ra sao?

Ngân hàng Việt Nam "hậu" WTO: Chấp nhận đối mặt với thách thức
Hạnh Phương

Với những gì USTR đã công bố, có thể nói "pháo hiệu" đã nổ, "cơn lốc" hội nhập sẽ kéo tất cả các NH VN vào cuộc mà không thể chần chừ. Đã bắt đầu nhận thấy những âu lo từ phía các nhà lãnh đạo NH, dù thách thức họ đã nhìn thấy trước...

Cathay Bank (Mỹ) sẽ trở
thành cổ đông chiến lược
của Ngân hàng Phương
Nam - mở đầu cuộc "xâm
lấn" của các ngân hàng Mỹ.

Chiến lược: "Thâu tóm dần dần"
Có thể dễ dàng nhận thấy thời gian gần đây, làn sóng "mua" lại cổ phần của các NHTM cổ phần VN đã diễn ra khá mạnh mẽ. Người đổ tiền vào các NH, không ai khác là các tập đoàn NH/tài chính lớn trên thế giới: HSBC, Dragon Capital, Standard Chartered Bank, ANZ, OCBC... Những nhà đầu tư tiên phong này đã sớm nhanh chân trở thành các cổ đông chiến lược trong ngành tài chính, NH VN. Có thể nói, đây là chiến lược rất rõ ràng của các NH nước ngoài: Mở rộng quy mô qua con đường ngắn nhất là mua lại và sáp nhập các NH, sau đó có thể thâu tóm.

Hiện các cổ đông chiến lược mới chỉ được nắm giữ tối đa 10% tổng giá trị cổ phần của một NH. Nếu không có gì thay đổi, tỉ lệ này sẽ được tăng lên gấp đôi sau khi dự thảo của NH Nhà nước trình Chính phủ được thông qua. Các nhà đầu tư nước ngoài khi ấy sẽ có thêm gấp đôi cơ hội tràn vào thị trường tiềm năng này.

Ông Vũ Viết Ngoạn - TGĐ NH Ngoại thương VN (VCB) - thừa nhận: "Khu vực dịch vụ tài chính trong nước đang đứng trước những thách thức và sức ép rất lớn của hội nhập. Nhưng đây là một tiến trình không thể đảo ngược".

Nhìn lại mình
Theo ông Lê Đắc Sơn - TGĐ VP Bank, hệ thống NHTM "quốc tịch" VN có thể phân thành 2 khối: Khối NHTM quốc doanh với số vốn tự có (sau khi đã được sự hỗ trợ nhiều mặt, bằng nhiều cách của Chính phủ) mới đạt gần 13 nghìn tỉ đồng (tương đương gần 800 triệu USD). Tính theo quy mô vốn của từng NHTM quốc doanh, thì còn lâu chúng ta mới với tới danh sách 500 NH lớn tầm cỡ quốc tế, thậm chí khu vực.

Đối với NHTM cổ phần ngoài quốc doanh, vốn điều lệ của NH lớn nhất (ACB) cũng chỉ đạt 1.100 tỉ đồng (tương đương 70 triệu USD). Hầu hết các NHTM cổ phần, đặc biệt NHTM cổ phần nông thôn chỉ có số vốn khoảng 10-20 triệu USD.

Bên cạnh quy mô về vốn, một số chỉ tiêu thể hiện sức mạnh tài chính của các NHTM VN cũng rất thấp: Quy mô tài sản có của các NHTM quốc doanh chỉ khoảng trên dưới 100 nghìn tỉ đồng (tương đương 6.500 triệu USD). Đối với NHTM cổ phần, tổng tài sản có bình quân của NH lớn nhất cũng chỉ được khoảng 40 triệu USD. Vì vậy, tỉ lệ an toàn vốn chưa đạt được mức 8% như thông lệ quốc tế.

Hiệu quả hoạt động của ngân hàng - đánh giá thông qua 2 chỉ tiêu lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) - đều rất thấp bởi 70-90% tỉ trọng nguồn thu chủ yếu vẫn là từ hoạt động thu lãi.

Nguồn thu từ dịch vụ rất thấp nên mặc dù tỉ lệ tài sản có sinh lời cao, nhưng chủ yếu là đầu tư cho vay nên rủi ro lớn mà lợi nhuận không cao. Các NH VN lâm vào "vòng luẩn quẩn" của "kẻ khó": Lợi nhuận thấp, không có nhiều tiền đầu tư cho hạ tầng công nghệ, hoạt động NH sẽ gặp khó khăn hơn, không thu hút được nhiều khách hàng tốt và vì thế, lợi nhuận lại thấp.

Nỗ lực cạnh tranh

Năm 2006, đồng loạt các NHTM cổ phần VN đều có sự điều chỉnh vốn điều lệ. 1.000 tỉ đồng vốn điều lệ đang là đích ngắm của nhiều NHTM cổ phần trong lộ trình tăng vốn từ nay đến năm 2010. Khởi đầu là ACB chính thức tăng vốn điều lệ từ 948,32 tỉ đồng lên 1.100 tỉ đồng.

Tiếp đó là NH Quốc tế (VIB Bank) từ 595 lên 711 tỉ đồng. Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) cũng tăng vốn điều lệ lên 815 tỉ đồng. Gần đây nhất, NH Nhà HN (Habubank) được NHNN chấp thuận tăng vốn từ 500 tỉ lên 900 tỉ đồng.

Cùng với chiến dịch tăng vốn quy mô lớn, các NH còn không ngừng nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống công nghệ NH. 4 "đại gia" NHTM quốc doanh đã kịp hoàn thiện chương trình hiện đại hoá với sự hỗ trợ về vốn của NH Thế giới. Còn các NHTM cổ phần cũng đã biết "liệu cơm gắp mắm" để đáp ứng được nhu cầu hiện đại hoá, dù vốn đầu tư hạn chế hơn.

Hãng tin Anh BBC ngày 8.6, dẫn lời của một chuyên gia kinh tế cho biết: "Ở VN có 4 đại gia NH thế lực rất mạnh, và họ có khả năng đối chọi với các công ty nước ngoài". Đây là một nhận định khá lạc quan cho các NH trong nước trước ngày hội nhập.

Trong lĩnh vực ngân hàng (NH) và chứng khoán (CK), kể từ 1.4.2007, các NH Mỹ và NH nước ngoài khác sẽ được thành lập các chi nhánh 100% vốn nước ngoài. Từ khi VN gia nhập WTO, các Cty CK nước ngoài có thể được mở liên doanh có 49% sở hữu nước ngoài. Sau 5 năm, nhà đầu tư có thể sở hữu 100% Cty CK và có thể tham gia vào một số hoạt động CK của VN. B.K.T (Theo USTR)