Dân bàn giá điện: Bài 4: Ngành điện nói về giá thành Đâu là những yếu tố đang khiến giá thành điện mà như nhiều chuyên gia tài chính nhận định là chưa "sạch" hay còn những bất hợp lý: Khấu hao tài sản, chi phí sửa chữa lớn, tổn thất điện năng hay giá điện mua ngoài quá cao. Trao đổi với PV Báo LĐ chiều qua, Phó Trưởng ban Tài chính kế toán (TCty Điện lực VN) - ông Hoàng Văn Ninh phân tích:  | Cải tạo lưới điện - biện pháp giảm tổn thất và giá thành điện. | - Phải thừa nhận khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) đang chiếm tỉ trọng đáng kể trong giá thành điện hiện nay của EVN. Với 117 nghìn tỉ đồng TSCĐ, năm 2005 ngành điện khấu hao 8.000 đồng, tỉ lệ 8%. Chúng tôi chọn mức khấu hao thấp nhất và thời gian dài nhất, 10 năm trong biểu thời gian 7-10 năm được Bộ Tài chính quy định. Nếu chọn mức 7 năm, tỉ lệ khấu hao có thể lên đến 14%.
Chúng tôi có muốn cũng không giảm tỉ lệ khấu hao xuống nữa vì quy định là như vậy. Còn việc định ra thời gian cho các sửa chữa lớn của TSCĐ, như 4 năm đối với tổ máy hay 6 năm với đường dây phụ thuộc vào tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị được nhà cung cấp đưa ra. Không phụ thuộc vào ý thích của các nhà làm tài chính hay của người sản xuất điện trong nước. Quy định 4 hay 6 năm là nhằm đảm bảo thiết bị vận hành an toàn, đủ đưa thiết bị trở lại an toàn và phục vụ tốt hơn. Năm 2005, chúng tôi phải chi tới 1.668 tỉ đồng cho sửa chữa lớn.
- Có phải những chi phí nêu trên quá lớn đang khiến giá thành điện sản xuất chưa hợp lý?
- Tôi dám khẳng định rằng, các yếu tố trên đây đang được chúng tôi đưa đến một tỉ lệ tối ưu. Tác động lớn nhất đến giá thành điện hiện nay là giá điện mua ngoài quá cao. Để đáp ứng đủ nhu cầu điện, năm 2005 chúng tôi buộc phải mua ngoài 11,473 tỉ kWh với tổng chi phí gần 8.500 tỉ đồng. Gần như tương đương với chi phí nhiên liệu sản xuất 40,9 tỉ kWh của ngành trong năm 2005, khoảng 8.700 tỉ đồng. Chi phí điện mua ngoài lớn bởi ngành điện phải mua với giá bình quân trên 1.000đ/kWh. Chúng tôi tính toán, chỉ riêng tỉ trọng giá điện mua ngoài trong giá thành điện bình quân của EVN năm 2005 (761đ/kWh) chiếm đến 188,7đ/kWh.
- Vậy ông giải thích thế nào khi tỉ lệ tổn thất điện 12% vào cuối năm 2005 vẫn được tính trong giá thành điện?
- Rõ ràng tỉ lệ tổn thất 12% hiện nay ảnh hưởng lớn đến giá thành điện. Với tỉ lệ tổn thất này, 100kWh điện trên thanh cái nhà máy truyền tải đến người tiêu dùng còn 88kWh điện. Chi phí sản xuất cho 100kWh ban đầu vì vậy sẽ phải chia đều giá thành cho 88kWh. Dĩ nhiên khi tổn thất được kéo xuống 10%, giá thành điện sẽ hình thành trên cơ sở 90kWh và chắc chắn sẽ thấp hơn khi mức tổn thất 12%. Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ giảm tỉ lệ tổn thất này xuống 10-11% trong thời gian tới.
- Như vậy phải chăng giá thành điện có giảm hay không còn trông mong vào lòng "hảo tâm" của các DN bán điện?
- Chúng tôi vẫn nói nhiều đến giải pháp tiết kiệm điện. Mỗi hộ gia đình chỉ cần tắt bớt một bóng đèn vào giờ cao điểm, ngành điện sẽ không phải oằn lưng mua điện ngoài ngành. Sẽ là "lợi đơn lợi kép" vì giá thành điện khi đó chắc chắn sẽ giảm.
- Dẫu vậy EVN vẫn có lãi. Tại sao phải điều chỉnh giá điện thì ngành điện mới có vốn phát triển nguồn như một quan chức Bộ Công nghiệp nhận định?
- Với giá bán 782đ/kWh cao hơn giá thành bình quân 21đ/kWh, năm 2005 ngành điện lãi khoảng 964 tỉ đồng. Sẽ là lý tưởng nếu mức lãi hay mức chênh lệch giá được duy trì ở mức 21đ/kWh. Song với nhu cầu điện phát triển 16-17% trong các năm tới, trong lúc tiến độ xây dựng các nhà máy thuỷ điện không theo kịp, ngành điện sẽ phải duy trì việc mua điện ngoài và phát triển các nguồn nhiệt điện giá thành cao. Tốc độ tăng chi phí điện mua ngoài và chi phí nhiên liệu giá thành cao sẽ tăng rất mạnh. Mức chênh lệch 21đ/kWh một sớm một chiều sẽ bị triệt tiêu. Dù lãi 964 tỉ đồng, so với tổng vốn ngành điện quản lý trong năm 2005 là 40 nghìn tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận chỉ đạt 2,4%.
- Xin cảm ơn ông!
Cẩm Văn thực hiện |