Gần đây nhiều khách hàng phản ánh về chất lượng nữ trang vàng nhập nhèm, thiếu tuổi khiến các nhà sản xuất, kinh doanh vàng đau đầu. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm tra gắt gao về chất lượng vàng.
Ông Lưu Ngọc Phi - Ban khoa học kỹ thuật Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố (SJA), cho biết, trong sản xuất chế tác nữ trang, vấn đề hao hụt là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng ngày nay, máy móc sản xuất được trang bị tối tân nên lượng hao hụt đã phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, lượng hao phí vẫn chưa được thị trường chấp nhận khiến nhà sản xuất không biết hoạch toán vào đâu. Chất lượng vàng tương ứng tuổi hay tiền công thợ... Do đó, mỗi nơi bán ra đã tự hoạch toán khác nhau.
Theo công thức tính toán của giới kinh doanh, giá bán trên thị trường của một loại vàng chính là giá vàng 10 tuổi nhân với hàm lượng tuổi tương ứng. Ví dụ giá vàng 10 là 1 triệu đồng/chỉ, giá bán vàng 98% trên thị trường sẽ tương đương 980.000 đồng. Tuy nhiên, ông Phi cho rằng, công thức này không còn phù hợp với việc sản xuất kinh doanh nữ trang hiện nay. Lý do, thành phần các nguyên liệu tham gia vào quá trình điều chế từ vàng 10 tuổi thành các sản phẩm 14K, 18K, 22K giá rất đắt đỏ, không thua kém gì vàng.
![]() |
Nhu cầu nữ trang của người tiêu dùng ngày một tăng cao. Ảnh: T.V. |
Trong khi đó, lâu nay người tiêu dùng vẫn quen với kiểu mua sản phẩm vàng là chú ý đến nhãn hiệu, trọng lượng, tiền công chứ không cần biết đến các khoản phí khác. Đặc biệt, xu hướng của người tiêu dùng ngày càng thích các loại nữ trang mẫu mã đẹp, giá rẻ nhưng lại ít quan tâm đến tuổi vàng và quá tin tưởng vào người bán. Thậm chí có nhiều người chỉ quan tâm đến ký hiệu 14K, 18K... đóng trên sản phẩm. Vì vậy, tình trạng mua đâu bán đó vẫn là biện pháp thuận lợi nhất trong mua bán mà khách hàng không hề hay biết mình đã bị móc túi đến 2 lần. "Chính sự thiếu quan tâm đến hàm lượng vàng đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những người làm ăn bất chính kiếm lợi", ông Phi cho biết thêm.
Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc Sài Gòn (SJC) Nguyễn Hữu Thuận cho biết, hiện chất lượng vàng vẫn còn thả nổi, trong khi chính sách Nhà nước còn thoáng và sơ hở. Theo thông lệ quốc tế, vàng nữ trang là loại hàng hóa không thuộc phạm trù quản lý ngoại hối. Các quy định của Nhà nước chỉ buộc doanh nghiệp tự đăng ký và chịu trách nhiệm về chất lượng đã đăng ký nhưng không quy định rõ tiêu chuẩn hàm lượng tối thiểu phải đạt cho từng loại vàng là bao nhiêu. Vì thế, những đơn vị chân chính sẽ thiệt thòi trong cạnh tranh, còn các cơ sở sản xuất gian lận lại được hưởng lợi mà không hề bị xử phạt.
Cũng theo ông Thuận, Chính phủ đã có quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng. Nhưng việc làm này lâu nay chỉ hiệu quả với những đơn vị có đăng ký, cam kết chất lượng. Từ đó, vô hình trung dẫn đến việc thả nổi trong cạnh tranh về chất lượng, giá cả khiến thị trường nữ trang vàng ngày càng khó kiểm soát. "Từ trước đến nay thị trường vàng vẫn thực hiện cơ chế tự điều chỉnh giữa người mua và người bán trên nguyên tắc mua gì bán nấy. Sắp tới, khi VN gia nhập WTO, nếu doanh nghiệp không thống nhất chất lượng, hàm lượng vàng e rằng rất khó khăn", ông nói. Tuy nhiên, ông thừa nhận, đây là vấn đề lớn đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao từ các doanh nghiệp đến cơ quan chức năng và nhận thức của xã hội.
Trước thực trạng trên, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh thành phố Hồ Hữu Hạnh cho biết, sẽ kết hợp với cơ quan quản lý thị trường, Cục đo lường tiêu chuẩn chất lượng để kiểm tra gắt gao các doanh nghiệp kim hoàn, nhằm loại bỏ đơn vị làm ăn gian lận gây ảnh hưởng đến thị trường.
Chủ tịch SJA Nguyễn Văn Dưng cũng khẳng định, vàng nữ trang đang lưu thông trên thị trường vẫn chưa thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng nên đã tạo cơ hội cho nhiều người kiếm lợi. Sắp tới, SJA sẽ cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp hội viên đã đăng ký, cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng và bảo vệ danh tiếng cho những đơn vị làm ăn chân chính. SJA yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản riêng, quy định cụ thể tiêu chuẩn, hàm lượng vàng cho từng loại nữ trang để áp dụng đối với nhà sản xuất. Tiêu chuẩn này phải theo thông lệ quốc tế. Cụ thể, nữ trang vàng 24K được sản xuất ở các mức từ 95% đến 99,99%. Nữ trang vàng 18K dao động 65%-75% và 45% đến 58,3% dành cho nữ trang 14K...
Nguyễn Thùy
▪ Tin kinh tế ngày 4.3.2006 (04/03/2006)
▪ Cách tính phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu (04/03/2006)
▪ Thị trường chứng khoán sẽ còn nóng bao lâu? (04/03/2006)
▪ Hà Nội tăng mạnh phí trông giữ ôtô (04/03/2006)
▪ Đua chiếm lĩnh thị trường truyền hình (04/03/2006)
▪ TPHCM vươn tới "thiên đường" mua sắm (03/03/2006)
▪ Mỗi ngày sẽ cắt giảm đến 3 triệu kWh điện (03/03/2006)
▪ Cắt điện báo trước 2 tuần (03/03/2006)
▪ Vàng thế giới lại chạm 570 USD/ounce (03/03/2006)
▪ Tăng thời hạn bảo hành nhà chung cư (03/03/2006)