Sản xuất công nghiệp: Chặng nước rút gia nhập WTO
Các Website khác - 26/06/2006
Nhìn lại kinh tế 6 tháng đầu năm
Sản xuất công nghiệp: Chặng nước rút gia nhập WTO

Được kỳ vọng là sẽ tạo nên "cú hích" để tăng trưởng và hội nhập trong chặng đua nước rút trước thềm WTO, 6 tháng đầu năm, sản xuất CN đã có mức tăng trưởng khá đồng đều. Tuy nhiên, do tốc độ đầu tư xây dựng cơ bản chậm nên ngành này có nguy cơ không phát huy được hiệu quả đầu tư và tăng trưởng trong thời gian tới.

Sản xuất thép - một trong các
ngành có tiến độ đầu tư chậm chạp.
Xuất khẩu: Đẩy mạnh ngành hàng có lợi thế cạnh tranh
Mặc dù gặp không ít khó khăn trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị cạnh tranh quyết liệt, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, song có thể thấy, 6 tháng đầu năm các ngành hàng công nghiệp (CN) chủ lực về xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Đáng kể là ngành dệt may.

Theo ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt - May VN, kim ngạch XK toàn ngành khá ổn định, 6 tháng tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Sự kiện quan trọng có ảnh hưởng đến dệt may là VN đã đạt được thoả thuận thương mại song phương với Mỹ về việc xoá bỏ hạn ngạch dệt may nhập khẩu vào nước này khi VN gia nhập WTO. Đây là một thuận lợi, song ngành này cũng phải cam kết không nhận sự trợ giúp từ Chính phủ.

Ngành da giày có kim ngạch XK đứng thứ ba sau dầu khí và dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn do bị EU áp thuế bán phá giá sơ bộ từ 7.4 và đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc ở tất cả các thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu giày dép tại Mỹ và Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng nên 6 tháng kim ngạch XK toàn ngành da giày vẫn tăng trên 21% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm CN chủ lực tăng mạnh về giá trị như dầu thô tăng 20,6%, than tăng 38,6%, điện tử và linh kiện máy tính tăng 18%, sản phẩm gỗ tăng xấp xỉ 30%, dây và cáp điện tăng 38,5%, động cơ đốt trong tăng 11,1%, phụ tùng động cơ các loại tăng gấp 4,7 lần, sản phẩm nhựa tăng 30,1%...

Ông Bùi Xuân Khu - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp - nhận định tốc độ tăng trưởng XK nêu trên cho thấy chủ trương của toàn ngành là đẩy mạnh XK đối với những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh, có thị trường đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Đầu tư: Chậm dần đều
Sau sự kiện PMU18, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ký một chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư XDCB đối các dự án nhóm A, B thuộc bộ và các TCty 90, 91 do bộ quản lý. Do đặc thù Bộ Công nghiệp có rất nhiều dự án (4/5 dự án trọng điểm quốc gia), hàng ngàn dự án nhóm A, B bằng nguồn vốn (ngân sách, tín dụng, vốn vay ODA) vì vậy, bên cạnh việc các chủ đầu tư và Ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng trình tự, thủ tục đầu tư, đảm bảo tiến độ, hiệu quả thì bộ cũng tăng cường khâu giám sát, đánh giá đầu tư, đảm bảo không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Đây cũng là biện pháp siết lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hết 5 tháng đầu năm, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lại tỏ ra khá chậm chạp, chỉ bằng 24,6% kế hoạch năm. Nhiều TCty có khối lượng thực hiện đạt rất thấp như TCty Giấy đạt 7,7%, TCty Thép 9,6%, TCty Dệt - May đạt 7,3%, TCty Hoá chất đạt 10,2%...

Nguyên nhân khách quan theo Bộ Công nghiệp là bởi sự biến động tăng về giá cả trên thị trường đã làm "đội" chi phí của các dự án như chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, máy móc... nên một mặt các nhà thầu chưa muốn đẩy nhanh tiến độ để chờ giá cả ổn định; mặt khác vì các chi phí tăng nên DN chùng chình chưa muốn triển khai các dự án chuẩn bị đầu tư và mong được điều chỉnh tổng dự toán cho phù hợp với giá cả thực tế.

Tuy nhiên, nếu không tìm cách tháo gỡ tiến độ đầu tư thì nhiều công trình (như các công trình nguồn điện, thép, giấy, DAP...) dự kiến đi vào hoạt động trong năm để phát huy hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng sẽ có nguy cơ không vào kịp tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất các năm sau khi các DN thực sự bước vào cuộc cạnh tranh trong "sân chơi" toàn cầu.

Hồng Quân

CÙNG MỘT CHUYÊN ĐỀ:

Bài 1: Diễn biến giá cả: Không quá "nóng", nhưng khó lường

Bài 2: Thị trường chứng khoán: Diễn biến theo hướng chuyên nghiệp hơn