Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Sẽ chống được nạn đầu cơ bất động sản Trong giờ giải lao, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (ảnh) về những vấn đề được các đại biểu tranh luận sôi nổi tại hội trường. - Dự luật đã thừa nhận vị trí trung gian - "cò nhà đất" - gọi là nghề môi giới nhà đất và phải có chứng chỉ hành nghề môi giới. Người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; đã qua khoá đào tạo và đạt kết quả sát hạch về ngành nghề môi giới BĐS. - Nếu dự luật này được Quốc hội thông qua, có tạo được cơ sở để Nhà nước tận thu thuế, thưa Bộ trưởng? - Lâu nay thị trường BĐS chủ yếu hoạt động ngầm nên Nhà nước không quản lý được, dẫn đến thất thu thuế. Để thu được thuế thì mục tiêu quan trọng là phải làm sao cho kinh doanh và giao dịch BĐS công khai và minh bạch với nhau, như vậy cũng là công khai minh bạch trước Nhà nước, pháp luật và như vậy Nhà nước sẽ thu được thuế; Nhà nước sẽ nắm được thị trường BĐS và kiểm soát được nó. - Muốn hoạt động kinh doanh, giao dịch BĐS công khai minh bạch thì phải làm sao cho người giao dịch và kinh doanh BĐS thấy việc công khai, minh bạch đó có lợi thì họ mới thực hiện, và thị trường ngầm mới không còn tồn tại? - Nếu chỉ hai bên tiến hành giao dịch với nhau thì không đầy đủ thông tin, sẽ xảy ra tình trạng lừa đảo, bị ép, bất lợi cho một trong hai phía. Nay có hành lang pháp lý đầy đủ, việc tham gia sàn giao dịch thuận lợi, tất cả đều công khai, minh bạch sẽ có lợi cho hai bên. Tôi nghĩ khi đó thị trường ngầm không còn nữa. - Phó Chủ tịch Trương Quang Được đã nhận xét: BĐS bán được nằm trong tay những đối tượng nhiều tiền, nên có tình trạng đầu cơ BĐS, tạo ra những cơn sốt ảo và làm thị trường bị đóng băng. Vì vậy phải làm để dự luật chống được đầu cơ BĐS. Bộ trưởng có ý kiến gì về nhận xét của Phó Chủ tịch và dự luật có chống được đầu cơ BĐS? - Việc đóng băng thị trường BĐS không phải do đối tượng có tiền chi phối. Sở dĩ có đầu cơ BĐS là thông tin về BĐS không được công khai, minh bạch và không được lưu thông. Nay dự luật đã tạo ra hành lang pháp lý để hoạt động kinh doanh BĐS và giao dịch BĐS được công khai, minh bạch, sẽ khắc phục được tình trạng đầu cơ BĐS. - Trong dự thảo có quy định "cấm đưa vào kinh doanh BĐS là nhà, quyền sử dụng đất do Nhà nước cấp cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách". Quy định như vậy là bất bình đẳng, thậm chí trái luật vì người có quyền sở hữu BĐS có quyền định đoạt BĐS của mình. Hơn nữa, người được Nhà nước cấp nhà xong họ lại bán đi để tạo lập một ngôi nhà mới hay một chỗ ở mới thuận tiện hơn thì tốt chứ, sao dự luật lại cấm? - Mua bán kinh doanh để sinh lời thì khác. Người có nhà mà vì một lý do nào đó hay một nhu cầu nào đó mà bán đi để làm nhà khác tốt hơn thì tôi nghĩ mình không chống chuyện ấy. Việc này tôi thấy cũng chẳng có vấn đề gì. - Xin cảm ơn Bộ trưởng! Lê Tảo thực hiện |
▪ Tin kinh tế ngày 13.2 (13/02/2006)
▪ TT-Huế: Hơn 100ha lúa ở huyện Phong Điền bị ngập úng (13/02/2006)
▪ Nguy cơ phá sản một dự án (13/02/2006)
▪ Gạo nội thua trên sân nhà (13/02/2006)
▪ Thị trường ôtô: Giảm giá - vẫn nguội (14/02/2006)
▪ Thị trường ôtô: Giảm giá - vẫn nguội (14/02/2006)
▪ Chính phủ yêu cầu báo cáo việc tăng giá thuốc (13/02/2006)
▪ 13 trong... 1! (13/02/2006)
▪ Bùng nổ dịch vụ tiện ích cho điện thoại di động (13/02/2006)
▪ Lên dây cót cho mùa thiếu điện (13/02/2006)