Những con mương sữa thơm phức!
Chiều 12/1/2009, chúng tôi có mặt tại trang trại bò sữa của gia đình anh Trần Văn Dũng, chứng kiến đàn bò sữa 15 con của gia đình đang nhẩn nha nhai cỏ trộn cám, bên cạnh con mương thơm lừng… mùi sữa tươi nguyên chất.
Chúng tôi cũng không khỏi ngậm ngùi. Nuôi bò sữa từ năm 2002, khởi đầu chỉ là bán sản phẩm tự làm ra, sau gia đình anh Dũng phát triển lên thành Trạm thu mua sản phẩm sữa trên địa bàn cả tỉnh Vĩnh Phúc. Anh tiếp tục mở rộng, thu mua cả ở một số tỉnh lân cận với hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk).
Tháng 9/2008, thông tin về việc sản phẩm của Hanoimilk có chứa melamine khiến việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình anh Dũng nói riêng và nhiều hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn.
Đầu tiên là việc giá nhập sữa cho công ty giảm từ 8.000 đ/kg xuống còn 7.400 đ. Tiếp theo, giá giảm xuống còn 6.000 đ/kg, đồng thời số lượng sữa được nhập bị cắt giảm mạnh.
Đỉnh điểm là đến tháng 1/2009, lãnh đạo Hanoimilk thông báo tạm ngừng việc nhập nguyên liệu, do sản phẩm bị ứ đọng nghiêm trọng. Hệ quả trực tiếp là nhiều nông dân không biết làm gì với hàng tấn sữa sản xuất ra mỗi ngày.
Ông Đỗ Như Bể, Chủ tịch UBND xã Trung Nguyên cho biết, mới đầu, chủ các trang trại bò sữa còn cử người nhà đi bán rong sản phẩm sữa tươi, sau nhiều quá bán không kịp liền đem tặng hàng xóm.
Khi nghe thông tin về melamine trong sữa trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân “sợ” đến nỗi cho cũng không dám lấy. Vậy là chỉ còn nước đem đổ, và sữa bị đổ nhiều dến nỗi không những đọng thành ao nhỏ mà còn chảy theo mương, ra ruộng thành phân bón lúa.
Nhưng thiệt hại chồng chất thiệt hại. Theo anh Dũng, gia đình anh cũng như một số hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn, dù không bán được sữa vẫn cứ phải cho bò ăn đầy đủ, nếu không chúng sẽ chết, bởi sức đề kháng của bò sữa không tốt.
Bộ, tỉnh, DN cùng tìm lối ra cho nông dân
Trao đổi với phóng viên về việc hàng tấn sữa của nông dân Vĩnh Phúc bị đổ bỏ mỗi ngày, ông Trịnh Đình Mao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết, toàn tỉnh có hơn 1.000 con bò sữa, trong đó có gần 500 con hiện đang cho khai thác sữa với sản lượng trung bình 7 tấn/ngày.
Trên địa bàn có 2 trạm thu mua lớn có khả năng tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng sữa của Vĩnh Phúc là Trạm của gia đình ông Tuấn ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường) và của gia đình anh Dũng ở Trung Nguyên (huyện Yên Lạc).
Tuy nhiên, chỉ những hộ gia đình nào giao sữa cho Hanoimilk mới gặp vấn đề tiêu thụ khó khăn. Tại trạm thu mua của ông Tuấn ở Vĩnh Thịnh, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần sữa Quốc Tế không bị ảnh hưởng, nên việc tiêu thụ vẫn diễn ra suôn sẻ.
Hôm nay (13/1/2009), lãnh đạo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Hanoimilk để bàn biện pháp giải quyết, nhằm tìm "lối ra" cho bà con nông dân.
Điều đáng mừng là đến sáng ngày 12/1/2009, ông Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc Hanoimilk đã khẳng định sẽ tiếp tục thu mua lại sản phẩm sữa bò trên thị trường Vĩnh Phúc.
Và động thái đầu tiên chính là việc Hanoimilk trực tiếp đưa xe chuyên dụng về huyện Yên Lạc để thu mua 4,5 tấn sữa sản xuất ra trong ngày 12/1.
Theo Dan Tri
▪ Gian lận xăng dầu đã có thuốc “đặc trị”? (13/01/2009)
▪ Mua sắm tết Kỷ Sửu: Chắt chiu từng đồng (13/01/2009)
▪ Kiểm tra lấy lệ? (13/01/2009)
▪ Nhiều "hệ luỵ" từ tăng giá điện (13/01/2009)
▪ Cơ hội đích thực của hàng nội (12/01/2009)
▪ 10 sự kiện kinh tế 2008 (12/01/2009)
▪ Giá dầu xoay quanh mức 40 USD/thùng (12/01/2009)
▪ Củ kiệu “mở hàng” thực phẩm tết (12/01/2009)
▪ Siêu thị nhộn nhịp đón Tết (12/01/2009)
▪ Ngày tết không lo thiếu thịt heo, gà (12/01/2009)