Theo kết quả điều tra trực tiếp của báo SGTT tại các hộ gia đình ở TP.HCM cho thấy có sự thay đổi, từ dùng hàng ngoại sang hàng nội trong ba tháng qua. Đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến, xu hướng này cũng thể hiện rõ. Kết quả phân tích ở nhóm ngành hàng này còn chỉ ra tiêu dùng hàng đông lạnh gia tăng
Người tiêu dùng không có nhiều thời gian, cách xa hệ thống chợ, siêu thị vẫn có thể chọn mua thực phẩm hoặc đặt qua điện thoại từ 6 - 21h tại hai cửa hàng chuyên doanh thực phẩm Co.opFood. Ảnh: Lê Quang Nhật
Khai thác được “cơ hội làm bàn”
Kết quả điều tra cho thấy tỷ trọng tiêu dùng thực phẩm tăng 7,1%, từ 16,3% tháng 10 lên 23,4% tháng 12, thị phần theo giá trị cũng tăng 6,1%, (15% so với 21,1%),
Như vậy, việc tăng tỷ trọng tiêu dùng thực phẩm đã diễn ra đúng như dự báo của doanh nghiệp, dù nhiều doanh nghiệp cho rằng mức tăng chưa bằng năm ngoái, phù hợp với động thái chuẩn bị thực phẩm bán trong những tháng cận tết của doanh nghiệp.
Mức chi bình quân để mua thực phẩm chế biến của mỗi hộ gia đình cũng tăng từ 2,711 triệu đồng/hộ vào tháng 10.2008 lên 3,006 triệu đồng vào tháng 12.2008, tức là mức chi tiêu bình quân hộ cho thực phẩm tăng 11%.
Cụ thể hơn, tần suất mua sắm ở nhóm sản phẩm thực phẩm tươi đông lạnh tăng nhiều nhất trong ba tháng qua là 10% (từ 9,2% so với 19,5%), tiếp đến là các nhóm sản phẩm lương thực đóng gói, rau củ quả… trong khi đó nhóm sản phẩm mì ăn liền, cháo, phở đóng gói lại giảm đáng kể. Bên cạnh đó thị phần giá trị và tần suất mua sản phẩm của các công ty cũng có sự biến động nhất định trong thời gian qua.
Cần “tấn công” siêu thị
Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ số lần mua và thị phần giá trị sản phẩm trong nước ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng, số lần mua sản phẩm trong nước tăng với tỷ lệ khá khiêm tốn 1,7% (từ 81,8% trong tháng 10 lên 83,5% trong tháng 12), trong khi thị phần về giá trị tăng 4,2% (55,6% so với 59,8%). Sở dĩ có sự chuyển dịch trong tiêu dùng thực phẩm chế biến là do sự tác động trước tiên từ sút giảm mua sắm hàng nhập khẩu. Chi phí mua sản phẩm hàng nhập thường cao hơn chi phí mua hàng trong nước là nguyên nhân giảm mạnh thị phần giá trị hàng nhập.
Như vậy, thực sự người tiêu dùng đang tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước làm bàn, đặc biệt là ở những sản phẩm có giá cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần có những chiến lược, kế hoạch quản lý sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí để tạo thế cạnh tranh về giá, đồng thời khai thác lựa chọn mang tính tâm lý của người dùng để khẳng định vị thế thông qua chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, về địa điểm chọn mua thực phẩm, siêu thị được ưu tiên hàng đầu với 44% – một tỷ trọng áp đảo so với chợ (11,2%) – nên các nhà sản xuất thực phẩm cần chú trọng chuẩn hoá sản phẩm, đảm bảo có thể phân phối ở siêu thị. Metro, mặc dù là kênh phân phối sỉ nhưng vẫn xếp hàng thứ ba trong số các siêu thị người tiêu dùng ưu tiên chọn mua, sau Co.opmart, Big C. Thực tế này chứng tỏ, sản phẩm mà người tiêu dùng ưa chuộng phải vừa đầy đủ tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh, vừa có giá rẻ. Việc người tiêu dùng sẵn sàng xếp hàng cả tiếng đồng hồ ở Metro chờ tính tiền, chứng tỏ điều này.
Đồng thời, thực tế cho thấy người tiêu dùng đôi khi không chọn siêu thị để mua một vài món thực phẩm, do mất nhiều thời gian ở khâu chờ tính tiền. Cứ thấy hơi bớt khách, là một số quầy tính tiền ở siêu thị lại… “tạm đóng”. Các siêu thị cũng cần cải tiến thực tế này, nếu không, siêu thị sẽ… “đuổi” bớt khách.
Theo SGTT
▪ 10 sự kiện kinh tế 2008 (12/01/2009)
▪ Giá dầu xoay quanh mức 40 USD/thùng (12/01/2009)
▪ Củ kiệu “mở hàng” thực phẩm tết (12/01/2009)
▪ Siêu thị nhộn nhịp đón Tết (12/01/2009)
▪ Ngày tết không lo thiếu thịt heo, gà (12/01/2009)
▪ Tiểu thương chợ đêm Kỳ Hoà chưa có “chỗ dung thân” (10/01/2009)
▪ Ế ẩm cửa hàng bán gà sạch (10/01/2009)
▪ Buôn bán ế ẩm vì... “lô cốt” (10/01/2009)
▪ Từ 9-1, tăng phí xăng dầu (10/01/2009)
▪ Từ 9-1, tăng phí xăng dầu (10/01/2009)