Siêu thị nhộn nhịp đón Tết
Các Website khác - 12/01/2009

Mấy ngày qua, người Hà Nội bắt đầu đổ xô tới các siêu thị, chợ bán lẻ để mua sắm. Tết Nguyên đán đang đến rất gần, sức mua tại các cửa hàng, siêu thị cũng nóng dần lên và dự báo có thể tăng 20-30% trong những ngày tới.

Tại siêu thị Fivimart đường Trấn Vũ, Hà Nội ngay từ lúc 9h sáng 10/1, người dân đã tấp nập mua sắm. Khoảng 10h sáng, chị Hằng ở Tôn Đức Thắng, Hà Nội đã đẩy ra phía quầy thu ngân cả một xe hàng với đủ các loại thực phẩm đồ uống như nước mắm, gạo nếp, tương ớt, dấm, hạt dẻ, hạt bí, kẹo, bánh... Tổng số tiền mà chị bỏ ra cho lần mua sắm này không dưới 2 triệu đồng.

Giống như những bà nội trợ khác, chị Hằng tranh thủ mua sắm trong ngày nghỉ vì lo những ngày giáp Tết bận rộn công việc. Ngoài ra, một lý do là sắm sửa trước để phòng khi giá cả có thể tăng trong những ngày tới khi sức mua tăng cao. Chị tâm sự: “Dù, giá cả ở các siêu thị có đắt hơn chút song tôi thấy yên tâm hơn về chất lượng. Mua ở các chợ ngoài khó tránh được hàng giả, nhái”.

Siêu thị Fivimart Hồ Trúc Bạch lúc 9h30 sáng 10/1. Ảnh: Hồng Anh.

Không khí mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị đã bắt đầu nóng lên, không còn cảnh eo sèo như mấy tuần trước. Việc các cơ quan công sở hoàn tất việc chi trả lương thưởng cho nhân viên đã khiến sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại tăng vọt. Với tâm lý "cả năm mới có một cái Tết" nên nhiều bà nội trợ vẫn cố gắng để sinh hoạt gia đình không bị ảnh hưởng.

Chị Hà ở ngõ Thịnh Hào, Đống Đa, Hà Nội cho biết, năm nay kế hoạch của gia đình chi là sẽ sử dụng khoản tiền thưởng Tết của hai vợ chồng để lên đời chiếc TV LCD 32 inh. Tuy nhiên, do các dự báo về tình hình kinh tế khó khăn nên kế hoạch mua sắm bị hoãn lại. Một số vật dụng dự kiến mua như đầu đĩa, đồ gia dụng, thậm chí là giày dép và quần áo cho bản thân chị Hà cũng được xếp vào diện cắt giảm. Thay vào đó, các khoản tiền thưởng sẽ được chị Hà chia thành 2 phần, một phần gửi tiết kiệm, số khác được sử dụng để trang trải sinh hoạt trong dịp Tết.

Tại các siêu thị như Big C, Thái Hà, Fivimart, Hapro Mart… chiều qua cũng tiếp nhận hàng nghìn khách đổ về mua sắm khiến tất cả các quầy thanh toán đều hoạt động hết công suất. Lượng khách đổ về mua sắm tại các siêu thị lớn này không chỉ người dân Hà Nội mà còn có nhiều người ở các khu vực ngoại thành như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương...

Mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất gồm: các loại đồ khô như mộc nhĩ, nấm hương, măng, miến, đồ hải sản tươi sống, nước giải khát, bia, hạt dưa, hạt bí... So với tuần trước, giá hầu hết các mặt hàng có nhích lên nhưng không đáng kể, trong đó những mặt hàng được người tiêu dùng mua nhiều nhất là các loại đồ khô như hạt dẻ, hạt bí, mứt Tết bánh kẹo... cũng được niêm yết giá bán mới tăng khoảng 10% so với trước. Đổi lại, các siêu thị lại áp dụng chiêu thức khuyến mãi kiểu mua hai được tặng bát thủy tinh, mua ba được một...

Hiện mỗi kg hạt bí được chào bán với giá 130.000 đồng, tăng 20.000 đồng so với năm ngoái. Hạt dẻ được đóng thành từng gói, tùy theo trọng lượng, trong đó gói 30 gram giá 70.500 đồng, gói 50 gram giá 117.000 đồng. Các loại nước mắm giá phổ biến từ 13.000 đồng đến 70.000 đồng một chai, tùy loại và tùy nhãn hiệu. Tương ớt giá từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng, tùy loại.

Các loại đồ uống như bia, nước tăng lực, trà xanh... cũng được tiêu thụ với số lượng lớn. Giá phổ biến cho mỗi két bia Halida, Heliken, Việt Hà, hay bia Hà Nội... giá phổ biến từ 117.000 đồng đến 181.000 đồng. Ngoài ra, các loại giỏ quà được đóng gói sẵn cũng bán rất chạy, giá phổ biến từ 49.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng, tùy thuộc vào nhu cầu của người mua.

Sau cú sốc melamine, bánh kẹo Trung Quốc hầu như mất chỗ đứng trên thị trường. Cả siêu thị lẫn cửa hàng bán lẻ đều cho biết, 90% bánh kẹo phục vụ Tết năm nay là hàng Việt với các nhãn hiệu quen thuộc như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hanco, Vinabico, Tân Tân, Orion…

Từ hai tháng trước, Sở Thương mại Hà Nội đã yêu cầu các tổng công ty thương mại, trung tâm siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội phải đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng, tránh tình trạng cháy hàng, đầu cơ, nâng giá. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, lượng hàng các siêu thị năm nay cung ứng ra thị trường tăng gấp rưỡi năm trước, nhưng đó là bao gồm các khu vực mới sáp nhập vào thành phố.

Sức mua trên thị trường Hà Nội dự kiến tăng khoảng 20-30% vào những ngày giáp Tết, giảm nhẹ so với các năm trước song các siêu thị đều cho rằng, tình hình kinh doanh của mình vẫn khả quan hơn nhiều so với các hình thức bán hàng khác, bởi đối tượng khách hàng của siêu thị chủ yếu là những người có thu nhập ổn định.

Các siêu thị cũng khẳng định sẽ không có chuyện giá cả tăng đột biến trong những ngày giáp Tết.

Theo VnExpress