Tăng lãi suất: Coi chừng "gậy ông lại đập lưng ông"!
Các Website khác - 13/03/2006
Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất:
Coi chừng "gậy ông lại đập lưng ông"!

Ngay từ đầu năm nay, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đã được các ngân hàng (NH) liên tục đẩy lên cao, do thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cơ bản của đồng USD lên vượt mức 4,5% hiện nay. Song theo nhìn nhận của các chuyên gia tài chính ngân hàng thì lại không hẳn như vậy.

Ngân hàng VP bank.
Có thực "khát" vốn?

NH TMCP Á Châu (ACB) vừa tăng lãi suất tiền gửi bằng USD ở tất cả các kỳ hạn từ 0,3%/năm đến 0,85%/năm kể từ ngày 3.3. NH Ngoại thương VN (Vietcombank) cũng quyết định tăng lãi suất tiền gửi VND lên ở tất cả các kỳ hạn với mức tăng từ 0,2- 0,6%/năm từ cuối tháng 2.2006. Nhiều NH khác cũng đang rập rình điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi đối với cả VND và USD.

Theo ông Lê Đắc Sơn - TGĐ NH TMCP ngoài quốc doanh (VPBank), chưa năm nào mà chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm huy động từ khối dân cư đạt tới hơn 500 tỉ đồng.

Nhận định về cuộc đua lãi suất đang diễn ra giữa các NH, ông Phạm Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) - cho rằng, khi FED điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD thì các NH khó có thể giữ nguyên mức cũ. Tuy nhiên, nếu nói các NH hiện đang đua nhau tăng lãi suất do thiếu vốn thì không hẳn như vậy.

"Bằng chứng là trên thị trường liên ngân hàng giao dịch đấu thầu trái phiếu chính phủ thì lãi suất vẫn ổn định, không tăng, lượng huy động vốn vẫn lớn. Điều đó cho thấy vốn khả dụng của các NHTM vẫn còn nhiều, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường", ông Dũng nói.

Thực tế, nhiều NH bất đắc dĩ bước vào cuộc đua này. Theo ông An Thanh Sơn - Phó TGĐ NH TMCP Quốc tế (VIBank), với các NHCP, mới xuất hiện trên thương trường, lãi suất là công cụ chủ yếu để huy động vốn. Các NH bạn điều chỉnh tăng lãi suất, không lẽ mình lại đứng yên.

Rủi ro tiềm ẩn
Theo ông Phạm Phan Dũng, với việc liên tục đẩy lãi suất tăng cao như hiện nay, các NH đã tự đẩy mình vào thế khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động chung của các NH hiện nay ở mức 8,5%/năm, trong khi lãi suất cho vay ở mức hơn 9%/năm - rõ ràng, hiệu quả kinh doanh rất thấp.

Một chuyên gia NH phân tích, khi tăng lãi suất huy động thì đương nhiên các NH phải cho đầu ra tăng theo, theo đó DN đi vay buộc lòng phải cho tăng sản phẩm đầu ra theo tỉ lệ thuận, do vậy lợi nhuận của DN sẽ giảm, kéo theo đó là kinh doanh dễ gặp rủi ro, và cuối cùng người cho vay là NH sẽ gặp rủi ro rất lớn. Tình trạng này sẽ dẫn tới nợ quá hạn trong các NH tăng lên.

Theo ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, mới đây NH này đã quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay USD từ mức sibor + 2%/năm xuống còn sibor + 1,85%/năm, tức là chấp nhận mức chênh lệch thấp hơn, nhằm hâm nóng nguồn tín dụng này, chia sẻ khó khăn với DN khi vay vốn USD.

Võ Long